Chọn tên miền cho blog là việc khá khó khăn, nhưng rất quan trọng và đây cũng là việc đầu tiên bạn cần phải suy nghĩ, cân nhắc vì nó sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu sau này.
Trong quá trình làm việc những năm qua Ngọc đã từng chứng kiến rất nhiều blogger đã phải đổi tên miền của blog chỉ vì trước đó đã chọn sai tên miền.
Quá trình thay đổi tên miền cho blog ở góc độ kỹ thuật về cơ bản là không khó, nhưng khi nhìn ở góc độ thương hiệu sẽ là một lần “lột xác” và tất nhiên không ai muốn “lột xác” trừ khi bạn buộc phải làm điều đó.
Vì thế để tránh cho bạn không phải thay đổi tên miền thì bài viết này Ngọc sẽ hướng dẫn cách chọn tên miền cho blog tốt nhất, phù hợp nhất.
Chúng ta bắt đầu nhé.
Tên miền của một blog là gì? Tạo sao nó quan trọng?
***Lưu ý: Trong bài viết này Ngọc dùng từ “tên miền của blog” nhưng về cơ bản bạn hoàn toàn có thể hiểu là đây cũng chính là “tên miền của website” nhé!
Tên miền (domain name) được hiểu là địa chỉ của duy nhất của blog trên internet, đây cũng là tên gọi blog.
Vì nó là duy nhất, là địa chỉ để mọi người truy cập vào blog của bạn nên nó RẤT QUAN TRỌNG.
Ví dụ: Nếu bạn muốn vào blog của Ngọc, bạn bắt buộc sẽ cần truy cập vào tên miền NgocDenRoi.com không có cách nào khác. Nếu bạn nhập sai bất kỳ một từ nào, bạn sẽ không thể vào được. Nó là duy nhất.
Có bao nhiều loại tên miền? Cấu trúc tên miền
Trên một tên miền sẽ có 3 thành phần chính: lấy tên miền ngocdenroi.com làm ví dụ
- Tên miền: Đó chính là đoạn ký tự bạn chọn để đặt tên cho tên miền. Ví dụ ngocdenroi
- Dấu “.”: Bắt buộc 1 tên miền sẽ phải có dấu chấm “.”
- Đuôi tên miền: Đuôi tên miền sẽ sẽ nằm sau dấu “.”- hiện có rất nhiều loại đuôi tên miền ví dụ .com .net .org .club .city .shop…
Tuy nhiên thỉnh thoảng bạn cũng sẽ thấy kiểu tên miền như ngocdenroi.com.vn? Vậy tên miền này là gì?
Tên miền sẽ có 3 cấp, tên miền cấp 1, cấp 2 và cấp 2.
- Tên miền cấp 1: là những tên miền quốc tế chỉ có một dấu “.” được dùng phổ biến nhất ví dụ như .com .net .org .edu .gov .shop….
- Tên miền cấp 1: là những tên miền quốc gia đại diện cho mỗi quốc gia, thường là 2 ký tự viết tắt đại diện cho mỗi quốc gia. Ví dụ Việt Nam là .vn – Mỹ là .us – Singapore là .sg
- Tên miền cấp 3: là loại tên miền kết hợp giữa tên miền cấp 1 và tên miền cấp 2, kiểu tên miền này sẽ có 2 dấu “.” Ví dụ .com.vn – .net.us – gov.sg – edu.de
Hiện nay có rất nhiều loại đuôi tên miền, ngoài .com .net .org hay .vn thì chúng ta còn thấy những loại đuôi tên miền địa diện cho từng lĩnh vực như .blog .shop .club .store .app .site .me .marketing .guru .biz…
3 sai lầm thường gặp khi lựa chọn tên miền cho blog
Trước khi đi vào từng bước để chọn được một tên miền hay, phù hợp với bạn thì Ngọc sẽ cùng với bạn đi qua một số sai lầm thường gặp trong quá trình lựa chọn tên miền nhé.
#1: Sử dụng tên miền con – miễn phí
Đây là một lỗi rất thường gặp của những blogger mới, họ thường mới tìm hiểu về cách tạo blog trên các nền tảng miễn phí. Sau đó họ được cung cấp một tên miền con.
Tên miền con là loại tên miền như thế này: tenmiencuatoi.blogspot.com hay tenblogcuatoi.wordpress.com
Cá nhân Ngọc khi cách đây nhiều năm lúc mới tiếp cận với công việc viết blog cũng đã mắc lỗi này, và bây giờ cái tên miền con miễn phí đó vẫn còn nằm trên internet. Nó ở đây ngocdenroi.wordpress.com
Vậy tạo sao chọn tên miền con miễn phí là một cái lỗi?
- Thứ nhất đó là bạn đang xây dựng blog trên một nền tảng của người khác: Bạn sẽ không thể chủ động và toàn quyền quyết định. Ví dụ nếu công ty đó phá sản vậy blog của bạn sẽ không còn tồn tại trên internet, trong quá khứ tất cả những ai đã từng tạo blog trên dịch vụ Yahoo 360 sẽ hiểu điều này. Hoặc rất nhiều blog trên nền tảng blogspot đã từng bị chặn, bị xoá mà không hề biết lý do tại sao?
- Thứ hai đó là bạn không thế (hoặc hạn chế) việc kiếm tiền: Trên blog với tên miền con miễn phí bạn rất khó để đặt quảng cáo, khó làm tiếp thị liên kết, khó để quảng bá các dịch vụ vì không thể cài thêm các công cụ bán hàng, marketing…
- Thứ ba đó là blog của bạn nhìn không chuyên nghiệp: Cái tên miền con với đuôi rất dài nhìn là biết ngay đó là người viết blog nghiệp dư. Đây chỉ là kiểu blog muốn ghi viết gì thì viết, viết về chuyện buồn của bạn, về chuyện vui của bạn, về con chó, con mèo của bạn… nó không phải là cách viết blog chuyên nghiệp.
Tất nhiên đây là một cái lỗi trong việc chọn tên miền, tuy nhiên nếu bạn đang muốn thử xem mình có khả năng viết blog hay không và có yêu thích viết blog hay không thì hoàn toàn có thể thử.
Cách thử là:
- Chọn một chủ đề & bắt đầu tạo blog miễn phí trên dịch vụ WordPress.com theo bài hướng dẫn này.
- Sau đó nếu bạn cảm thấy yêu thích công việc viết blog, thì hãy chọn một tên miền riêng cho mình sau đó di chuyển blog đó từ dịch vụ miễn phí của WordPress.com sang WordPress.org theo hướng dẫn này.
#2. Sử dụng con số & dấu gạch ngang trong tên miền
Rất nhiều bạn khi tìm kiếm một tên miền và khi phát hiện ra đã có người đăng ký rồi nên cố gắng thêm dấu “-” hoặc viết tắt hoặc con số vào tên miền. Đây là một sai lầm!
Ví dụ thế này: Bạn đang muốn tạo một blog về chủ đề làm bánh, nhưng khi tìm tên miền daylambanh.com thì đã có người đăng ký. Thế là bạn sáng tạo ra cách day-lam-banh.com hoặc daylambanh4u.com (dạy làm bánh for you)
Đừng cố gắng làm điều đó Ngọc tin chắc về lâu dài tên miền kiểu này sẽ không tốt, ít nhất sẽ làm cho người dùng khó khăn khi viết.
Sẽ có những mẹo chọn tên miền theo kiểu biến thể khác nhưng vẫn đúng với chủ đề bạn mong muốn (Ngọc sẽ chia sẻ ở bên dưới)
Tóm lại đừng cố thêm số, viết tắt và dấu gạch ngang, gạch dưới vào tên miền.
#3. Cố gắng tạo ra một từ hoàn toàn mới
Bạn đang muốn sử dụng cách đặt tên của các thương hiệu, như: Kodak, Yahoo, Google, Oreo, Xerox, Mozilla, Alexa…
Nhưng đó là những công ty, còn bạn là một cá nhân đang chọn tên miền cho blog. Vì thế hai điều này hoàn toàn khác nhau.
Google đã mất rất nhiều năm, rất nhiều tiền để làm cho cả thế giới phát âm và biết cách gõ chữ GOOGLE. Nếu bạn nghĩ ra một cái tên hoàn toàn mới cho blog thì Ngọc dám chắc bạn rất khó để mọi người thuộc, quen với tên mới này.
Trên thực tế cách đặt tên miền này cũng rất thách thức với người sở hữu nó, đặc biệt là những cá nhân.
Ví dụ chúng ta đã từng thấy kiểu đặt tên miền như: zZzTraveling.com hay Triip.com là cách sáng tạo trong việc chọn tên miền dựa trên một từ sẵn có. Nhưng về cơ bản đó là những công ty khởi nghiệp, họ có đội nhóm, có nhà đầu tư và họ có tiền để làm marketing, truyền thông.
Còn bạn đang chọn tên miền cho blog cá nhân, vì thế hãy chọn một tên dễ nhớ, dễ phát âm và dễ viết. Đừng cố đánh đố người đọc của bạn.
Bây giờ hãy tiếp tục để chọn được tên miền cho blog của bạn nhé…
Trước khi chọn tên miền: Bạn có tập trung làm thương hiệu hay không?
Có một điều làm cho tất cả chúng ta khó khăn trong việc lựa chọn đó là: Cố gắng đưa bằng được từ khoá vào trong tên miền!
Ý là bạn đang muốn đạt tên miền cho website chuẩn SEO!
Về cơ bản từ khoá trong tên miền phần nào đó vẫn giúp ích cho bạn có thứ hạng cao và dễ làm SEO (tối ưu nội dung trên công cụ tìm kiếm) sau này. Nhưng hiện nay để đưa một từ khoá vào tên miền thường rất khó khăn vì hầu hết những kiểu tên miền như vậy đều đã được đăng ký rồi.
Do đó dễ dễ dàng hơn Ngọc khuyên bạn nên trả lời câu hỏi: Bạn có dự định xây dựng thương hiệu cá nhân hay không?
Nếu câu trả lời là không: Bạn có thể chọn tên miền theo kiểu có chứa từ khoá.
Ví dụ nếu bạn viết về du lịch homestay, thì tên miền phù hợp với lựa chọn này có thể cần chứa từ khoá “homestay”. Tất nhiên homestay.com sẽ là một tên miền mà bạn không thể mua lúc này, vậy hãy kết hợp hoặc thay đổi đuôi .com thành .vn hoặc thậm chí .blog .club chẳng hạn.
Một công cụ giúp bạn nhanh chóng tìm kiếm và kết hợp các từ khoá và gợi ý đuôi tên miền đó là NameMesh. Chỉ cần nhập từ khoá vào và bạn sẽ có được rất nhiều lựa chọn ngay bên dưới.
Nếu câu trả lời là có: Bạn không cần cố gắng đưa từ khoá vào tên miền
Một khi bạn quyết định xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua blog thì từ khoá chẳng còn ý nghĩa gì. Ở trong trường hợp này bạn cần xem xét đến các yếu tố như chiến lược phát triển, marketing…
Trên thực tế đã có rất nhiều blog phát triển rất tốt, luôn luôn có thứ hạng cao trên Google trong khi tên miền chẳng liên quan gì đến từ khoá.
Ví dụ: ThachPham.com là tên riêng của cá nhân nhưng blog lại viết về thủ thuật WordPress. Blog chia sẻ mã giảm giá domain, hosting của Luân Trần lại có tên miền là Canhme.com (canh me)…
Hoặc ngay chính blog này của Ngọc cũng vậy, một blog hướng dẫn kỹ năng xây dựng blog và tạo nguồn thu nhập thụ động từ internet lại có tên miền là NgocDenRoi.com (Ngọc Đến Rồi).
Vì thế nếu bạn quyết định sẽ xây dựng thương hiệu cá nhân (hoặc cho chính blog của bạn) thì Ngọc khuyên bạn chỉ cần chọn tên miền đảm bảo những yếu tố sau đây:
- Hàm chứa một ý nghĩa gì đó
- Dễ nhớ, dễ phát âm
- Ngắn (dưới 3 từ và dưới 12 ký tự)
- Có khả năng mở rộng trong tương lai
- Có thể mở rộng theo chuỗi thì càng tốt (ví dụ Ngọc Đến Rồi chấm Com và bây giờ là Coin Đến Rồi chấm Com; Sách Đến Rồi chấm Com…)
Còn bây giờ, ngay bên dưới đây Ngọc sẽ tiếp tục chia sẻ với bạn về 5 mẹo để bạn chọn được tên miền nhằm mục đích làm nổi bật thương hiệu cho blog của mình.
Những phương pháp chọn tên miền cho blog theo thương hiệu sau đây có thể giúp bạn tìm ra cách để có một tên thương hiệu, tên miền phù hợp và đạt được hiệu quả truyền thông cũng như gây ấn tượng với người đọc đấy.
Chọn tên miền cho blog với 5 cách đơn giản (kèm ví dụ)
Dưới đây có thể gọi là mẹo và cũng có thể gọi là những cách đặt tên miền cho blog mà bạn hoàn toàn có thể tham khảo.
1. Chọn tên miền cho blog theo lợi ích của đọc giả
Bạn viết blog để giúp gì cho đọc giả của bạn? Bạn dạy họ cách làm bánh, cách cắm hoa, cách phát âm tiếng Anh chuẩn…? Đó chính là lợi ích của đọc giả.
Tên miền theo kiểu này ngay khi nhắc đến đọc giả sẽ biết ngay họ sẽ nhận được gì từ blog của bạn.
Ví dụ: Giupbanlamdep.com (giúp bạn làm đẹp) của blogger Oanh Phạm là một kiểu đặt tên miền cho blog theo lợi ích của đọc giả.
Tương tự như vậy những tên miền như kiểu hoclambanh.com, hocdautu.net, hocmarketing.com… đây là những ví dụ về cách chọn tên miền cho blog nhắm đến lợi ích cụ thể mà đọc giả sẽ nhận được.
Công thức đơn giản để chọn tên miền theo cách này đó là:
- Học + lĩnh vực (chủ đề) + kết quả đạt được + .com/.net/.vn…
- Cách (giúp) + lĩnh vực (chủ đề) + kết quả đạt được + .com/.net/.vn…
2. Chọn tên miền cho blog hướng đến nhóm đọc giả chính
Nhóm đọc giả chính của bạn bạn hướng đến là ai? Họ là phụ nữ hay trẻ em? Hay họ là những người làm phim nghiệp dư?…
Đặt tên miền trực tiếp đến cộng đồng cụ thể là cách đặt tên blog rất khôn ngoan vì bạn sẽ dễ dàng trong việc xây dựng cộng đồng sau này.
Ví dụ: Lamphimnghiepdu.com (làm phim nghiệp dư) là một blog như vậy, ngay khi nhắc đến cái tên miền đọc giả sẽ biết ngay đây là nơi để cho những người làm phim nghiệp dư trao đổi kiến thức, học hỏi. Những nhà làm phim chuyên nghiệp sẽ không phải đối tượng của blog.
Hay Kiemtiencenter.com (blog kiếm tiền Center của Thế Khương) cũng là kiểu đặt tên miền blog kết hợp giữa từ tiếng Việt + tiếng Anh nhắm trực tiếp đến một cộng đồng cụ thể, vì thế việc xây dựng cộng đồng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Thêm một ví dụ khác, nếu bạn định viết về chủ đề kiếm tiền online và tập trung vào nhóm phụ nữ thì tên miền tuyệt vời sẽ là phunukiemtienonline.com hoặc đơn giản hơn, ngắn hơn và có khả năng mở rộng hơn có thể là phunukiemtien.com
Công thức đơn giản để chọn tên miền theo cách này đó là:
- Nhóm đọc giả mục tiêu + lĩnh vực (chủ đề) + kết quả đạt được + .com/.net/.vn…
3. Chọn tên miền cho blog theo chủ đề – lĩnh vực
Mỗi blog sẽ có một chủ đề, lĩnh vực cụ thể. Cách đặt tên miền cho blog theo chủ đề là cách phổ biến và truyền thống nhất.
Tất nhiên những tên miền kiểu như thế nào gần như đã được mua rất sớm và bạn sẽ không có cơ hội sở hữu nữa (nhưng sẽ có cách kết hợp)
Ví dụ Thehinh.com (thể hình) là một tên miền được đặt theo lĩnh vực, những lĩnh vực khác như thucung.com (thú cưng), suckhoe.net, magiamgia.com… là cách chọn lĩnh vực để gọi tên.
Như đã nói ở trên kiểu tên miền theo chủ đề thường sẽ rất khó mua, hoặc nếu mua được bạn sẽ phải mua với giá rất cao. Vậy có cách nào để kết hợp không?
Câu trả lời là có!
Ví dụ nếu tên miền dulich.com đã được mua bạn hãy thử với đuôi .net, .vn, .info… hoặc có thể thêm các ký từ ví dụ như meodulich.com (mẹo du lịch) hay thichdulich.com hoặc dulichaz.com (du lịch a đến z)…
Hoặc nếu bạn viết blog về du lịch theo phong cách phượt, nhưng không thể mua tên miền phuot.com thì tại sao không nghĩ một cái từ nào đó liên quan đến du lịch ví dụ như PhuotVivu.com (Phượt vi vu) chẳng hạn.
Công thức đơn giản để chọn tên miền theo cách này đó là:
- Mẹo (thích, mê,…) + lĩnh vực (chủ đề) + az + .com/.net/.vn…
4. Chọn tên miền cho blog theo tên riêng của chính blogger
Cách đặt tên blog theo tên riêng của chính bạn (người chủ nhân của blog) là một cách thường được áp dụng.
Ví dụ ThachPham.com một blog chuyên chia sẻ về WordPress bởi chủ nhân là Thạch Phạm. Hay blog phamdinhquan.net cũng chính là tên của chủ nhân được đặt tên miền cho blog.
Đối với cách đặt tên này thì bạn đang tập trung vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân rất nhiều, đọc giả sẽ rất dễ dàng để biết rằng blog này là của ai, ai đứng sau blog đó….
Tuy nhiên việc sử dụng tên riêng cho tên miền cũng có một số nhược điểm nhất định:
- Gần như bạn sẽ là tác giả duy nhất, việc đó đồng nghĩa với những khó khăn khi xây dựng nhóm cộng tác viên. Họ thường có cảm giác blog này là của riêng bạn, nó không phải là của chung.
- Đối với một blog có tên miền là tên riêng của bạn thì chắc chắn bạn sẽ đi với nó suốt đời, thậm chí khi bạn muốn bán nó thì có lẽ cũng… không có ai mua (vì một người tên Tí chẳng có lý do gì mua một blog có tên miền Tèoem.com)
Vì thế nếu bạn đang có một mục tiêu rất lớn đó là xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua chính blog của mình thì cách chọn tên miền theo tên riêng sẽ rất phù hợp.
Còn ngược lại, nếu bạn muốn phát triển một cộng đồng lớn cho một lĩnh vực cụ thể thì đây không phải là lựa chọn tối ưu.
Công thức đơn giản để chọn tên miền theo cách này đó là:
- Tên riêng + .com/.net/.blog/.me/.vn…
5. Chọn tên miền cho blog theo phong cách ẩn dụ
Đây là một trong những kỹ thuật đặt tên tạo được sự độc đáo, phá cách. Dĩ nhiên, phương pháp này đòi hỏi sự tương thích giữa tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị của thương hiệu với tên ẩn dụ đó và cần thời gian để cho truyền thông.
Ví dụ Amazon là tên con sông lớn nhất thế giới. Vì thế Jeff Bezos (người sáng lập) lấy tên Amazon với tầm nhìn trở thành thương hiệu thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Trên logo của Amazon có mũi tên chỉ từ A đến Z thể hiện cho tham vọng biến Amazon không chỉ là “cửa hàng sách lớn nhất trên thế giới” mà là “cửa hàng bách hóa lớn nhất thế giới”.
Hoặc trang thương mại điện tử TiKi cũng là một kiểu đặt tên ẩn dụ. Từ TiKi chính là 2 ký từ đầu tiên của từ Tìm Kiếm & Tiết Kiệm. Ý nói lên bạn có thể tìm mua bất cứ thứ gì và rất tiết kiệm khi mua sắm trên TiKi.
Hay NgocDenRoi.com (Ngọc Đến Rồi) là một cách đặt tên kết hợp kiểu tên riêng với ẩn ý rằng Ngọc đến để chia sẻ.
Một bí mật: Khi lần đầu mua tên miền Ngọc Đến Rồi thật ra Ngọc định xây dựng một blog du lịch tập trung vào chia sẻ những trải nghiệm ở những nơi mà Ngọc đã đến rồi. Tuy nhiên do chủ đề du lịch cần phải đi nhiều mà Ngọc thì không thể do đó dần dần Ngọc chuyển hướng viết về blog, viết về marketing… Cũng may là cái tên Ngọc Đến Rồi nó vẫn mang ý nghĩa chia sẻ. Ơn giời 🙂
Về cách đặt tên miền theo phong cách ẩn dụ này chúng ta có thể lấy trường hợp Canhme.com (tên cũ trước đây là Chia sẻ Coupons) làm một ví dụ điển hình.
Từ Canh Me chủ yếu được dùng ở phía Nam được hiểu là trạng thái chờ đợi, mong chờ một điều gì đó sắp xảy ra. Canh me để lao vào giật cô hồn chẳng hạn!
Từ này vô cùng phù hợp với lĩnh vực chia sẻ mã giảm giá mà blog Canhme.com đang hướng đến! Một tên miền tuyệt vời với tính ẩn dụ rất cao, có ý nghĩa và dễ nhớ!
Tóm lại với kiểu đặt tên miền cho blog theo phong cách ẩn dụ này thì bạn sẽ cần có thời gian để truyền thông nhưng nếu làm được thì ấn tượng sẽ rất tốt trong lòng đọc giả của bạn. Họ sẽ nhớ đến bạn rất lâu.
Hướng dẫn cách mua tên miền cho blog
Bạn đã có ý tưởng cho tên miền và bạn cũng đã chọn được tên miền chính xác cho blog của mình. Vậy thì mua tên miền đó ở đâu là tốt nhất? Giá bao nhiêu và mua như thế nào?…
Dưới đây Ngọc sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách mua một tên miền.
Nên mua tên miền ở đâu? Đây có lẽ là câu hỏi mà rất nhiều bạn mới đặt ra. Trong quá trình làm việc không ít lần Ngọc đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề mất tên miền, tên miền không thể gia hạn… chỉ vì mua từ những công ty không uy tín.
Hiện nay có rất nhiều công ty cung cấp tên miền, tuy nhiên phần lớn là đại lý nhỏ do đó họ không chủ động trong mọi việc.
Cá nhân Ngọc khuyên bạn chỉ nên mua tên miền từ những công ty được đăng ký chính thức với ICANN (một tổ chức quản lý tất cả các loại tên miền trên toàn thế giới).
Hai công ty lớn nhất về tên miền mà bạn có thể đăng ký hiện nay đó là GoDaddy & NameCheap
Chi phí mua một tên miền là bao nhiêu? Chắc chắn khi bạn mua tại 2 công ty nói trên giá sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc bạn mua từ các công ty ở Việt Nam.
Thông thường để mua một tên miền .COM:
- Tại NameCheap: Giá từ $8.8
- Tại GoDaddy: Giá từ $12
Hướng dẫn cách mua tên miền tại NameCheap
Ok ngay bên dưới đây Ngọc sẽ hướng dẫn bạn cách mua tên miền tại NameCheap, đối với việc mua tên miền tại Godaddy bạn có thể xem hướng dẫn tại đây.
Để mua tên miền bạn truy cập vào http://namecheap.com, sau đó ngay trang chủ nhấn “SIGN UP” để tạo một tài khoản.
Điền đầy đủ thông tin yêu cầu như ảnh dưới, sau đó nhấn nút “Create Account and Continue”. Nhớ kiểm tra email của bạn để xác thực.
Nếu bạn đã có tài khoản tạị NameCheap rồi thì nhân Login để đăng nhập, ở đây Ngọc đã có account nên đăng nhập luôn.
Bây giờ là lúc bạn cần kiểm tra tên miền đã có ai mua chưa? Giá bao nhiêu? Đơn giản ngay trang chủ chỉ cần nhập domain vào ô tìm kiếm sau đó nhấn nút “Search”
Ví dụ ở đây Ngọc sẽ tìm mua tên miền NDRPodcast.com (để chuẩn bị cho kênh Podacst trong tương lai)
Ngay sau đó NameCheap sẽ báo cho bạn là tên miền còn có thể mua (hiện màu xanh) giá của tên miền này là $8.88/năm, lúc này bạn chỉ cần thêm vào giỏ hàng bằng cách nhấn “Add to cart”
Bây giờ để kiểm tra thử một tên miền khác nhé, Ngọc sẽ tìm tên miền NgocDenRoi.com.
Ngay sau đó kết quả trả về là tên miền này đã được mua từ năm 2015.
Bây giờ sẽ là bước thanh toán, kiểm tra số năm đăng ký sau đó nhấn “Confirm Order”. Nếu có mã giảm giá bạn cũng có thể nhập vào ô “Promo Code”.
- Nhớ kiểm tra số năm bạn muốn đăng ký. Mặc định sẽ là 1 năm, nếu bạn muốn mua 2,3 năm thì chọn tùy chọn phù hợp.
- Kiểm tra tính năng bật/tắt auto-renew. Khi bạn bật tính năng này thì mặc định sau 1 năm, Namecheap tự động trừ tiền và gia hạn domain cho bạn phòng trường hợp bạn quên. Nếu bạn không có ý định gia hạn thì tắt nó đi.
Một điểm thú vị là khi đăng ký tên miền tại NameCheap bạn sẽ luôn được miễn phí dịch vụ WhoisGuard (là dịch vụ ẩn thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số điện thoại hay email của người đăng ký tên miền).
Để thanh toán bạn có thể dùng thẻ Visa/Master Card như hình bên dưới.
Ngoài ra bạn cũng có thể chọn thanh toán bằng PayPal, ở đây Ngọc sẽ chọn PayPal.
Kiểm tra lại lần cuối tổng giá tiền, sau đó nhấn “Check out PayPal”
Ok bây giờ bạn sẽ được chuyển sang PayPal, đăng nhập vào và nhấn “Continue” để thanh toán.
Như vậy là bạn đã mua tên miền thành công, NameCheap sẽ chuyển bạn sang trang hoá đơn.
Để quản lý tên miền của bạn, vào mục “Account” -> “Domain List” ở đây bạn sẽ thấy tất cả các tên miền mà bạn đang sở hữu.
Như vậy là đã xong quá trình mua tên miền tại NameCheap rồi đấy.
Lưu ý: Thông thường NameCheap tháng nào cũng có khuyến mãi, vì vậy bạn có thể tìm mã giảm giá tên miền tại https://www.namecheap.com/promos/ . Tại đây bạn sẽ nhấn nút “Buy Now” để được giảm giá.
Sau đó bạn sẽ thấy mã Coupon giảm giá, copy mã này để lúc thanh toán áp dụng nhé.
Lời kết
Tóm lại sẽ không có một nguyên tắc cố định trong việc chọn tên miền cho blog. Trong thực tế có rất nhiều tiên miền blog vô cùng khó nhớ, khó viết đối với người Việt nhưng vẫn phát triển tốt.
Ví dụ như SavouryDays.com (một blog chuyên chia sẻ về ẩm thực – bánh của blogger Linh Trang) thế nhưng vẫn phát triển rất tốt và là một blog được hàng đầu của cộng đồng những người yêu thích bếp núc, bánh trái.
Do đó về cơ bản nội dung và chiến lược marketing vẫn là điều quan trọng, và khi chọn tên miền cho blog bạn cần xem xét các yếu tố:
- Mục tiêu, chiến lược lâu dài của bạn với blog là gì?
- Bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân cho chính mình qua blog hay bạn đang hướng đến một cộng đồng chung rộng lớn hơn?
- Chiến lược phát triển, kế hoạch marketing của bạn cho blog là như thế nào?
Cá nhân Ngọc thì luôn đặt yếu tố ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm và ẩn chứa một ý nghĩa nào đó phía sau tên miền lên hàng đầu vì một khi người đọc đã hiểu được ý nghĩa đó thì họ sẽ nhớ đến bạn, nhớ đến blog rất lâu.
Quá trình xây dựng một blog được ví như bạn “xây dựng một ngôi nhà”. Vì vậy, việc chọn tên miền có thể sẽ là những “viên gạch” đầu tiên. Do đó nếu bạn không muốn sửa sai (thực tế có rất nhiều blog đã phải thay đổi tên miền) thì hãy chọn đúng ngay từ “viên gạch” đầu tiên – viên gạch đó chính là tên miền cho blog và cũng là tên thương hiệu của bạn!
Tham khảo thêm bài viết trước đây Ngọc đã chia sẻ về 7 mẹo giúp chọn tên miền cho blog hoặc trong podcast gần đây Ngọc cũng đã chia sẻ về nghệ thuật chơi chữ khi chọn tên miền cho blog.
Bạn thích chọn tên miền cho blog theo cách nào? Kinh nghiệm trong việc đặt tên cho blog của bạn là gì?
Chào bạn ! Mình tạo Blog cá nhân có tên miền tạm như này https://hodoandencong.blogspot.com. Giờ mình mua tên miền https://hodoandencong..com khi trỏ vào nó có mất cái đuôi blogspot không nhỉ ?
Trân trọng !
Mình thích tên miền có đuôi .com.vn
Mình định viết blog đăng ký tên miền đuôi như vậy không biết có ổn không? Tại không thấy blog nào đăng ký vậy.
Vẫn được chứ bạn, tuy nhiên blog cần sự đơn giản do đó mọi người thường lấy .com hoặc .net hoặc .vn
a Ngọc ơi em mua tên miền trên NameCheap đến bứơc thanh toán thì lại nhập sai số thẻ. Em đã nhập lại rất kỹ rồi nhưng vẫn báo lỗi là sai. E sử dụng thẻ ATM. Anh có thể hướng dẫn giúp e không ạ! em cảm ơn a!
Thẻ ATM chỉ thanh toán nội địa thôi em nhé, em cần dùng thẻ thanh toán quốc tế của visa hoặc mastercard
dạ em cảm ơn anh ạ!
dạ anh ơi! anh cho em hỏi với ạ. mình có cách nào thay đổi user name không ạ? vì khi em lấy user name để làm domain name thì kiểm tra đã có nguời dùng rồi, nên em muốn thay đổi ạ.
Em cảm ơn anh Ngọc.
Chưa hiểu ý em, username ở đây em muốn muốn nói là gì? Vì tên miền và User name không liên quan gì đến nhau cả.
dạ, user name của em là Haoshare. Em muốn dùng tên này để đăng ký luôn tên miền là: Haoshare.com cho thống nhất, nhưng khi vào phần search để kiểm tra thì Haoshare.com đã có người dùng, hệ thống gợi ý cho em là Haoshare.net/ .org; nhưng em lại chỉ thích đuôi là .com. Nên em muốn thay đổi user name ạ.
Em cảm ơn anh Ngọc.
À anh hiểu rồi, username chỉ là tên đăng nhập vào tài khoản khách hàng của em thôi. Còn tên miền (domain) thì chỉ có 1, tức là tên miền em đang thích đã có người sở hữu rồi nên em không thể đăng ký được nữa đâu. Do đó dù em có thay đổi username thì cũng không thể mua tên miền đó được. Em thử xem kết hợp thêm một ký tự nào đó vào tên miền xem sao nhé!
Dạ. Em cảm ơn anh Ngọc nhiều ạ.
Chúc anh ngày an lành.
dạ anh Ngọc ơi, cho em hỏi với ạ.
tại phần thanh toán, mình bắt buộc phải thanh toán bằng USD ạ anh?, mình thanh toán bằng đồng VND được không ạ?.
Em cảm ơn anh Ngọc.
Anh Ngọc cho e hỏi. Em có làm 1 website mới viết tầm chục bài viết. Nay thấy tên domain ko thích hợp nên e muốn đổi domain cho web đó mà vẫn giữ các bài viết trên. A có bài viết hướng dẫn cách đổi ko ạ. E đọc trên mạng thấy loạn cả lên. A có thể chỉ e cách làm ko ạ. Hoặc có thể chỉ e bài viết nào chuẩn nhất để e mò mẫm làm theo ạ. E dốt mấy vụ này lắm.
Về việc đổi tên miền anh cũng không có nhiều kinh nghiệm thực tế lắm vì chưa đổi bao giờ, tuy nhiên em có thể tham khảo bài hướng dẫn này nhé: https://canhme.com/kinh-nghiem/thay-doi-ten-mien-giu-nguyen-rank/
TÔI LÀ MỘT GV ĐẠI HỌC, ĐẾN TUỔI NGHỈ HƯU RỒI NHƯNG LẠI THÍCH VỀ CÔNG NGHỆ, THÍCH VIẾT BLOG. ĐỌC CÁC BÀI CỦA BẠN, MÌNH THẤY RẤT HỮU ÍCH. CẢM ƠN BẠN THẬT NHIỀU VÀ CHÚC BẠN CÙNG GIA ĐÌNH LUÔN KHỎE, VUI, THÀNH ĐẠT, HẠNH PHÚC NHÉ!
Cám ơn anh về những chia sẻ chân thành và chúc anh luôn nhiều năng lượng.
Blog của em https://mekongbay.com – ? đang chuyển làm website thương mại, vì trước kia nó là website TMĐT của cty em, nhưng đã đóng cửa.
Rất chi tiết. Em cũng đã đổi nhiều lần domain, thật sự đau đầu khi phát sinh 1 ý tưởng mới. Cảm ơn anh vì bài viết.
* Một số chỗ chính tả có vấn đề, anh update nhé:
– …. cách phát âm tiếng anh chuẩn…?
– …. là bạn không thế (hoặc hạ….
– …. ôi tên miền địa diện cho từn…
Cám ơn em rất vui khi nhận những góp ý chi tiết như vậy.
Cảm ơn bạn! Ủng hộ Blog của bạn hihi
Cám ơn bạn đã luôn thoe dõi và ủng hộ
Tên miền của em storesvn.com làm thế nào mọi người tìm trên google với tên store svn để nó có thể xuất hiện
Anh có bài viết nào chia sẻ cách thức chuyển hosting k? Em có mua gói 12$/y của Godaddy những phí gia hạn quá đắt, e chỉ muốn gia hạn domain còn lại muốn chuyển hosting.
Chào anh Ngọc,
Cho em hỏi với ạ, đợt trước em có mua vài tên miền nhưng không theo nguyên tắc gì hết mà chỉ thấy thích là mua vậy nhưng sau khi đọc bài viết của anh em thấy cứ bị tiếc tiền vì toàn mua những tên miền thuộc các lĩnh vực em không có khả năng phát triển rồi 1 thời gian lại bỏ không. Chỉ có 1 cái là sieungon.com em mới dựng web lên làm ít nội dung về cách làm các món ăn ngon vì em là con gái mà thuộc loại ham ăn nên định làm như vậy. Nhưng em vẫn thấy nó ngộ ngộ nên muốn hỏi và nhờ anh tư vấn giúp em tên miền Siêu Ngon như vậy nếu em phát triển 1 site về nội dung ăn uống, ẩm thực thì có đáng không ạ? Ý em là anh cho em ý kiến là em nên dùng tên miền này luôn hay mua tên miền khác? Cảm ơn Anh
Anh thì lại rất thích tên miền này và nó rất phù hợp với nội dung về ẩm thực em nhé. Nó ngắn gọn, dễ nhớ và cũng rất gần gũi với chủ đề blog của em đó. Cá nhân anh nghĩ nên dùng nó rất tốt em nhé!
Cảm ơn anh Ngọc nhiều nhé! Anh có thể cho em vài góp ý để phát triển trang được không ạ. Vì em cũng là tay ngang, mới bắt tay vào làm nên không có nhiều kinh nghiệm. Cảm ơn anh nhiều!
Anh nghĩ với chủ đề ẩm thực thì em cần tập trung vào phần NHÌN nhiều hơn phần ĐỌC. Vì phần lớm mọi người sẽ thích xem hình ảnh, video các món ăn nhiều hơn, phần đọc chỉ là chiến lược hỗ trợ SEO và ghi lại công thức, kinh nghiệm… Kết hợp với một kênh Youtube cũng sẽ là cách rất tốt để phát triển website ẩm thực em nhé!
Cảm ơn anh nhiều! Chúc anh sức khỏe và có thật nhiều ý tưởng viết bài hay để chia sẻ với mọi người.