Chọn tên miền cho website hay blog là một việc quan trọng, bởi vì một khi bạn đã chọn đi với một tên miền nào đó thì gần như bạn sẽ gắn bó với nó một thời gian rất dài. Hosting bạn có thể thay đổi nhưng đối với tên miền thì rất khó để thay đổi bởi vì nó là thương hiệu, địa chỉ…và quan trọng hơn nó là thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm.
Vì một lý do nào đó không ít người sau một thời gian vận hành website/blog phải đổi tên miền, nếu việc này diễn ra sớm thì không gây ra nhiều vấn đề. Nhưng một khi website/blog của bạn có nhiều nội dung, có số lượng đọc giả tương đối và đã đạt được thứ hạng trên công cụ tìm kiếm tìm việc thay đổi tên miền là một điều vô cùng khó khăn.
7 mẹo dưới đây sẽ giúp bạn chọn tên miền cho website hay blog một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
1. Đi với đuôi .COM
Chắc chắn là như vậy bởi .COM là phổ biến nhất, người dùng internet từ lâu đã quen với việc tên miền “chấm com”. Hiện nay đến 49.9% các website trên thế giới sử dụng đuôi .COM. Bởi vậy nên bạn thấy rằng chúng ta hay nghe nhiều người đùa rằng “chấm cơm, chấm canh” 😀 . Hơn nữa với đuôi .COM bạn có lợi thế hơn khi thực hiện công việc SEO cho website/blog.
Để mua một tên miền với đuôi .COM cũng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với các đuôi khác ví dụ như .VN (tên miền quốc gia) chẳng hạn.
Nếu tên miền bạn chọn không thể đăng ký với đuôi .COM thì Ngọc khuyên bạn (một blogger) nên đi với đuôi mở rộng là .NET hay .ORG
2. Chọn tên miền cho website/blog càng ngắn càng tốt
Khi chọn tên miền cho website hay blog của bạn có một yếu tố hàng đầu là bạn nên làm cho nó thật ngắn gọn. Người dùng internet lười gõ trên bàn phím vì vậy họ rất ngại gõ tên miền dài lê thê, tên miền ngắn gọn cũng sẽ dễ dàng in sâu vào trí nhớ của mọi người.
Ngọc rất thích đặt tên miền với những câu cảm thán như kiểu Ngọc Đến Rồi hay Coupon Đây Rồi. Nó như một câu thốt lên từ cửa miệng và làm cho người dùng dễ dàng ghi nhớ.
3. Đưa từ khóa vào trong tên miền
Sẽ rất tốt cho công việc SEO nếu tên miền của bạn có chứa từ khóa mà bạn nhắm đến cho website/blog. Ví dụ nếu bạn đang xây dựng một blog đánh giá về máy may thì tên miền của bạn có thể là “MayMayGiaDinh.com” hay “MayMayDayRoi.com”…
Hoặc nếu bạn đây dựng một blog ẩm thực thì tại sao không để từ “amthuc” xuất hiện trong tên miền của bạn?
4. Sử dụng tên của bạn để đăng ký tên miền
Nếu bạn đang có ý định xây dựng một website/blog của riêng mình với mục đích cung cấp dịch vụ cá nhân hoặc viết các tác phẩm văn học của chính mình thì việc sử dụng tên của bạn làm tên miền là một điều không còn gì tuyệt vời hơn. Nó thể hiện thương hiệu cá nhân rất rõ rằng, bởi vì dịch vụ đó là của NguyenAnhNgoc.com chứ không phải của bất kỳ ai khác.
Blog với mục đích xây dựng thương hiệu cá nhân cũng rất thích hợp với kiểu tên miền theo tên cá nhân. Gợi ý nếu ai đó đã đăng ký mất tên miền bằng tên của bạn thì bạn có thể thêm từ “blog” vào tên của bạn. Hoặc bạn có thể thay đổi theo kiểu NgocNguyen.com (đổi Fistname và Lastname)
5. Kiểm tra tính sẵn có trên các mạng xã hội
Thông thường khi chọn tên miền cho website bạn cần thêm một bước nữa là kiểm tra xem nó có sẵn để thiết lập các tài khoản trên mạng xã hội hay không? Một công cụ giúp bạn có thể kiểm tra ngay tính sẵn có là Knowem
Chỉ cần nhập tên bạn dự kiến sẽ tạo trên các tài khoản mạng xã hội, Knowem sẽ cho bạn thấy nó đã được sử dụng hay chưa? Xem ví dụ Ngọc check tên tài khoản trên mạng xã hội Facebook và LinkedIn bên dưới.
6. Tạo sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh
Đối thủ của bạn là ai? Hãy chắc chắn rằng tên miền của bạn không bị nhầm lẫn với những website/blog khác. Đừng để người đọc nhầm lẫn nội dung blog của bạn với những người khác. Đừng cố gắng để mua một tên miền mà nhìn nó la lá giống như những tên miền của đối thủ. Vì vậy hãy tạo sự khác biệt.
Khi chọn tên miền cho blog này Ngọc đã kiểm tra và không thể tìm ra nhưng tên miền như kiểu NgocBlog.com hay NgocNguyen.com vì thế Ngọc đã tìm ra cách tạo sự khác biệt là NgocDenRoi.com 😉 Cũng không đến nỗi tệ phải không nào?
7. Không nên sử dụng dấu gạch nối
Khi chọn tên miền cho website bạn cần hạn chế sử dụng dấu gạch nối “-” bởi vì nó làm cho người dùng khó gõ tên miền vào trình duyệt.
Hạn chế sử dụng các con số trong tên miền đôi khi cũng gây nhầm lẫn, ví dụ nếu bạn đang nói chuyện qua điện thoại và đọc cho người khác địa chỉ blog của tôi là: “blog102.com” nhưng khi người nghe họ sẽ gõ vào trình duyệt tên miền là “blogmotkhonghai.com” thì điều gì sẽ xảy ra?
Tất nhiên nếu con số đó thật sự có ý nghĩa thì bạn cũng nên sử dụng, ví dụ Ngọc cũng đã từng tư vấn cho một bạn chọn tên miền: lamdep101.com với ý nghĩa blog đó có 101 cách làm đẹp!
Ok, bạn đã sẵn sàng! Vậy làm thế nào để đăng ký một tên miền?
Ngọc sẽ đưa ra cho bạn 2 lựa chọn:
- Nếu bạn chưa cần có ngay một trang web hay blog, đơn giản bạn chỉ cần đăng ký một tên miền cho kế hoạch tương lai. Ngọc khuyên bạn nên đến ngay GoDaddy hoặc Namecheap để đăng ký ngay tên miền của bạn. Rất đơn giản chỉ cần gõ tên miền cần mua vào ô tìm kiếm và nhấn SEARCH DOMAIN
2. Nếu bạn cần có ngay 1 website hay blog, đơn giản chỉ cần làm theo hướng dẫn này của Ngọc bạn sẽ được tặng miễn phí một tên miền và có ngay blog cho riêng mình sau 10 phút!