Google Analytics là một công cụ mà có lẽ bất cứ blogger (hoặc webmaster) nào cũng cần phải biết cách sử dụng.
Ban đầu khi chưa quen thì có thể những thông số trong Google Analytisc sẽ làm cho bạn cảm thấy rối, thậm chí bạn sẽ không hiểu các thông số đó nói lên điều gì?
Nhưng phải nói rằng việc đọc hiểu các thông số trong Google Analytics là vô cùng quan trọng, những con số thống kê sẽ cho bạn biết hiện tại có bao nhiêu người đang online trên blog, họ đang đọc bài viết nào, họ đến từ đâu, bao nhiêu tuổi…
Nếu được sử dụng và tận dụng đúng cách tất cả các dữ liệu này sẽ giúp cho bạn trong việc phát triển nội dung, chiến lược marketing vô cùng hiệu quả.
Vì thế trong bài viết này Ngọc sẽ chia sẻ cho bạn cách để hiểu ý nghĩa của những thông số quan trọng nhất trong Google Analytics và cách làm thế nào để sử dụng những thông số này nhằm phát triển blog của bạn đấy.
Google Analytics là gì & những thông số quan trọng nhất
Google Analytics là một công cụ giúp cho những blogger, webmaster có thể theo dõi các thông số thống kê về dữ liệu của blog/website. Đây là một công cụ hoàn toàn miễn phí được cung cấp bởi Google.
Về cơ bản bạn có thể thể hiểu nôm na rằng nếu sử dụng Google Analytics bạn hoàn toàn có thể biết được hiện tại vào thời điểm này (hoặc trong quá khứ) đang (hoặc đã) có bao nhiêu người online trên blog của bạn, họ đọc bài viết nào, đến với blog của bạn bằng cách nào, ở đâu, sở thích của họ là gì, bao nhiêu tuổi, sống ở nơi nào…
[note note_color=”#c0dfc1″]Lưu ý rằng: Google Analytics sẽ không tự động được tích hợp vào blog của bạn, do đó bạn cần phải cài đặt Google Analytics (xem hướng dẫn này). Việc này vô cùng đơn giản và thao tác diễn ra trong khoảng 5 phút. Ngọc khuyên bạn nên cài đặt Google Analytics càng sớm càng tốt.[/note]Những thông số quan trọng trong Google Analytics
Phải nói rằng một trong những yếu tố khiến chúng ta thường hay “ngán” Google Analytic vì nó có quá nhiều thông số.
Nếu để xem hết các thông số này có lẽ bạn sẽ mất đến hàng giờ, vì thế sẽ có một số khái niệm và thông số quan trọng nhất mà bạn sẽ cần theo dõi đó là…
Các khái niệm chính:
- Người dùng (Users): Hay còn gọi là đối tượng, đây là những người đã truy cập vào blog của bạn ít nhất 1 lần trong phạm vi thời gian bạn đang xem báo cáo. Số người dùng ở đây bao gồm cả người mới và người truy cập cũ (quay lại)
- Số phiên (Sessions): Phiên được hiểu là khoảng thời gian mà người dùng đang tương tác (truy cập) trên blog của bạn.
- Nhân khẩu học: Đây là những thống kê chi tiết về đối tượng người dùng. Ví dụ như giới tính, độ tuổi, sở thích…
- Tỷ lệ thoát (Bounce Rate): Đây là số phần trăm người dùng chỉ truy cập một trang, tức là họ đến blog của bạn xem trang A sau đó thoát ra luôn (không có tương tác gì)
Các thông số quan trọng nhất của Google Analytics:
Có 3 nhóm thông số vô cùng quan trọng trong Google Analytics đó là: đối tượng – chuyển đổi – hành vi
Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết từng thông số trong 3 nhóm này nhé!
Cách sử dụng Google Analytics để phát triển blog
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu trong mục ĐỐI TƯỢNG – Tổng quan
Tại đây bạn sẽ có thể thay đổi khoảng thời gian xem báo cáo ở phía bên tay phải, sau khi nhấn áp dụng bạn sẽ thấy các thông số ở biểu đồ và con số cụ thể bên dưới.
Trong tất cả các chỉ số này thì có 4 con số quan trọng nhất là “Người dùng” – “Số lần xem trang” – “Thời gian trung bình của phiên” và “Tỷ lệ thoát”.
Các con số này càng cao càng tốt, chỉ duy nhất “Tỷ lệ thoát” thì cần càng thấp càng tốt cho blog của bạn. (Ngọc sẽ nói về cách xem chi tiết khách hàng thoát ở trang nào và làm sao để giảm tỷ lệ thoát trang ở phần bên dưới)
“Người dùng” con số này thường có thể được hiểu là”người dùng duy nhất” hoặc “khách truy cập duy nhất”. Điều này có nghĩa là những cá nhân đã truy cập vào và xem blog của bạn.
Ví dụ, một người có thể đã truy cập blog của bạn và xem 4 trang, sau đó quay lại 3 ngày sau đó và xem 1 trang, và sau đó 2 tuần sau quay lại và xem 10 trang. Họ vẫn chỉ được tính là 1 người dùng duy nhất.
Vì vậy, con số đó sẽ cho bạn biết có bao nhiêu người đã xem blog của bạn trong khoảng thời gian một tháng. Điều này rất quan trọng để theo dõi sự tăng trưởng lưu lượng truy cập blog của bạn. Tháng sau cao hơn tháng trước là một dấu hiệu tốt.
“Số lần xem trang” Google Analytics sẽ tính mỗi bài post, trang giới thiệu, trang liên hệ, trang chủ… là một trang riêng lẻ trên blog của bạn.
Nếu một người dùng xem 4 trang trên một lượt truy cập hoặc 10 lượt truy cập nhưng cũng chỉ xem duy nhất một trang đó (ví dụ họ đọc bài viết A 10 lần trong tháng đó). Tất cả các trang này sẽ được Google Analytisc cộng dồn và tích lũy trong suốt quá trình mà bạn đang xem báo cáo. Con số này càng cao càng tốt.
“Thời gian trung bình của phiên” bạn cũng có thể hiểu là thời gian on-time trên blog. Con số này càng cao càng tốt, tức là họ có thể đọc bài viết của bạn từ đầu đến cuối, hoặc họ di chuyển từ trang này sang trang khác mà không thoát ra ngay.
Tiếp theo bạn có thể nhìn vào biểu đồ sẽ thấy được số khách truy cập mới (new visitior) & số khách quay trở lại (returning visitor)
Tỷ lệ 50/50 sẽ là tốt nhất, ở báo cáo bên dưới của Ngọc bạn có thể thấy số khách truy cập mới đang khá cao (chiếm 78%), điều này là rất tốt nó cho thấy chiến lược SEO đang hoạt động khá tốt. Tuy nhiên Ngọc muốn người dùng cũ cần quay trở lại blog nhiều hơn nữa.
Vì vậy chắc chắn Ngọc sẽ cần lưu ý áp dụng các chiến lược để gia tăng số lượng truy cập cũ quay trở lại bằng cách như remarketing, hoặc tối ưu việc xây dựng danh sách email, xem xét lại kịch bản email tự động, chia sẻ bài viết nhiều hơn trên fanpage… để điều hướng người dùng cũ truy cập lại blog.
Vẫn trong mục này bạn cũng có thể so sánh kỳ báo cáo đang xem với kỳ trước để đánh giá mức độ tăng trưởng của blog bằng cách tích chọn vào “So sánh với: Kỳ trước đó”
Các con số so sánh tính theo % sẽ bắt đầu được hiển thị và nếu phần lớn đều màu xanh như hình trên thì chúc mừng bạn vì blog đang có sự tăng trưởng. Ngược lại nếu các con số màu đỏ thì bạn cần xem xét thêm chi tiết hơn và tìm giải pháp.
Dưới đây sẽ là các thông số chi tiết hơn và các giải pháp…
Người dùng đến blog bằng cách nào? (kênh truy cập)
Bạn có từng thắc mắc rằng người dùng đến blog của bạn bằng cách nào không? Google Analytics cho bạn biết rất rõ điều đó.
Để xem nguồn lưu lượng truy cập của người dùng, đơn giản chỉ cần vào “Chuyển đổi” -> “Tất cả lưu lượng truy cập” -> “Kênh”
Tại đây bạn sẽ thấy tất cả các kênh mà người dùng đến blog, trong đó thường sẽ có:
- Organic Search: Tìm kiếm tự nhiên, tức là người dùng tìm kiếm một từ khoá nào đó trên Google. Nếu con số này cao tức là bạn đang thực hiện chiến lược SEO khá tốt, nội dung của bạn cũng đang có thứ hạng tốt trên công cụ tìm kiếm. Hãy tiếp tục thực hiện chiến lược SEO…
- Direct: Con số này cho bạn biết rằng người dùng đã nhập URL (tên miền) blog của bạn vào thanh trình duyệt, hoặc họ đã bookmark blog, nhấp vào link liên kết trong email. Điều này chứng tỏ bạn đang làm tốt công việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Nếu bạn là một blogger và đang muốn phát triển thương hiệu cá nhân thì con số này càng cao càng tốt, nó chứng tỏ người dùng đã bắt đầu nhớ đến và đang theo dõi bạn.
- Referal: Nguồn giới thiệu, chỉ số này cực kỳ quan trọng nó cho thấy người dùng đã đến blog của bạn bằng cách nhấp vào một link nào đó ở website khác. Con số này càng cao càng tốt vì nó thể hiện những website khác đang nói về bạn, bạn cũng có những backlink từ họ. Nếu con số này thấp thì chắc chắn bạn sẽ cần có chiến lược và cách đăng bài guest post trên các blog khác là cách tốt nhất để bạn bắt đầu.
- Social: Mạng xã hội, đây là nguồn lưu lượng truy cập từ Facebook, Youtube, Instagram… dữ liệu này sẽ giúp cho bạn biết người dùng mục tiêu của bạn đang ở mạng xã hội nào nhiều nhất. Và bạn đang tập trung hiện diện trên mạng xã hội nào.
Nhìn vào tất cả các nguồn lưu lượng truy cập này bạn sẽ thấy được bạn đang làm tốt việc gì và những kênh (nguồn) mà bạn sẽ cần phải tập trung đẩy mạnh hơn. Bạn cũng có thể click vào từng kênh để xem chi tiết hơn.
Ví dụ đối với nguồn Referal (giới thiệu), Ngọc có thể thấy lượng truy cập cao nhất đến từ công cụ tìm kiếm cốc cốc (Google vẫn tính cốc cốc là một website) điều này phản ánh rằng lượng search từ tìm kiếm trên cốc cốc đến blog là khá cao.
Tuy nhiên quan trọng hơn ở đây là các website, blog khác. Ngọc thấy blog vuihocweb.com và Ngọc sẽ click vào để xem chi tiết các bài viết nào đã đưa người dùng đến.
Đây chính là tất cả các bài viết, click tiếp vào biểu tượng mũi tên bên cạnh URL.
Ngọc sẽ thấy được bài viết như bên dưới, ở đây chủ nhân blog Vuihocweb.com đã đặt 2 link về blog của Ngọc trong bài “Các blog WordPress nổi tiếng dùng theme gì?”
Điều này cho thấy blog của Ngọc đang được nhắc đến và đánh giá tốt từ các blogger khác. Qua phân tích này có thể Ngọc sẽ cần gửi mail cám ơn, tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt hơn với họ để gia tăng hơn nữa các bài viết giới thiệu.
Người dùng truy cập blog của bạn có đặc điểm gì? (nhân khẩu học)
Hiểu và biết được các thông tin chi tiết của người dùng như độ tuổi, giới tính, nơi sinh sống, sở thích… sẽ giúp bạn có một chiến lược marketing, xây dựng nội dung trên blog tốt hơn.
Google Analytisc sẽ cung cấp hết cho bạn tất cả các dữ liệu này đến tận chân tơ kẽ tóc.
Bây giờ hãy xem những người truy cập blog của bạn họ bao nhiêu tuổi nhé.
Vào mục “Đối tượng” -> “Nhân khẩu học” -> “Độ tuổi”, ở đây bạn sẽ thấy tất cả các độ tuổi được xếp từ cao đến thấp theo lượng truy cập.
Qua phân tích Ngọc thấy rằng người dùng từ 18 đến 34 là nhóm tuổi truy cập blog nhiều nhất, điều này phản ánh chính xác vì blog Ngọc Đến Rồi chấm Com viết nhiều về chủ đề kiếm tiền online, xây dựng nguồn thu nhập thụ động vì vậy đây cũng chính là nhóm người dùng đang trong giai đoạn kiếm tiền “hăng và xung” nhất! 😉
Họ là những người trẻ vì thế nội dung chắc sẽ cần sự xây dựng phù hợp, và nếu thiên về kỹ thuật thì vẫn có thể thu hút họ.
Xem giới tính của họ như thế nào nhé. 65% là nam giới, có lẽ sắp tới Ngọc sẽ cần gia tăng hơn nữa các nội dung hướng đến phụ nữ. Vì về cơ bản kiếm tiền online tại nhà và viết blog phụ nữ là người làm rất tốt.
Một số loại nội dung Ngọc sẽ chuẩn bị trong thời gian tới sẽ là: 10 cách kiếm tiền online tại nhà dành cho phụ nữ, 5 chủ đề blog phù hợp và tiềm năng với bà mẹ có con nhỏ…
Tiếp theo bạn cũng cần xem người dùng đến từ đâu, sống ở thành phố nào bằng cách chuyển sang mục “Địa lý” -> “Vị trí”
Không quá ngạc nhiên khi 95% người dùng của blog Ngọc Đến Rồi là từ Việt Nam, click tiếp vào quốc gia để xem họ sống ở các thành phố nào nhé.
Đây chính là các thành phố mà người dùng sinh sống. Điều này giúp bạn việc gì?
Khi bạn chạy các chiến dịch quảng cáo trên Facebook tất cả các dữ liệu về nhân khẩu học này sẽ giúp bạn target (nhắm mục tiêu) chính xác đến họ, tức là khả năng cao bạn sẽ tiếp cận lại những người đã từng truy cập blog của bạn hơn.
Loại nội dung nào người dùng tìm kiếm và thích nhất trên blog của bạn?
Đây là chỉ số rất quan trọng. Bạn cần biết chính xác người dùng đang đọc những loại nội dung nào nhiều nhất và họ tìm đến những nội dung này bằng từ khoá nào?
Để xem các từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trên blog, bạn vào “Chuyển đổi”-> “Search Console” -> “Truy vấn”
Tại đây bạn sẽ thấy tất cả các từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trên blog của bạn, Ngọc nhận thấy rằng từ khoá thương hiệu “ngocdenroi” đang chiếm nhiều nhất và là một dấu hiệu chứng minh cho thấy chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân đang hoạt động tốt.
Tuy nhiên Ngọc thấy một vấn đề đó là các từ khoá liên quan đến BLOG đang yếu, do đó chắc chắn các loại nội dung sắp tới cần đẩy mạnh hơn đó là:
- Hướng dẫn kiếm tiền bằng cách viết blog
- Xây dựng và viết blog chuyên nghiệp
- Viết blog toàn thời gian
- …
Tiếp theo Ngọc cần xem những trang nào người dùng xem nhiều nhất? Chuyển qua mục “Hành vi” -> “Nội dung trang web” -> “Tất cả các trang”
Ngọc thấy rằng trang chủ là trang được truy cập nhiều nhất, điều này chứng tỏ người dùng đang tìm kiếm từ khoá thương hiệu rất nhiều trên blog của Ngọc và Google đang đưa họ đến trang chủ.
Sau đó bạn cũng có thể vào tiếp “Hành vi” -> “Luồng hành vi” để xem chi tiết cách người dùng di chuyển từ trang đích đến cách trang khác và cuối cùng là họ thoát ra ở trang nào?
Tất cả những điều này sẽ giúp cho bạn tìm cách để giữ chân và điều hướng người dùng ở lại blog lâu hơn đấy.
Bây giờ tiếp tục xem trang nào là những trang có tỷ lệ thoát cao nhất? Vào“Hành vi” -> “Nội dung trang web” -> “Trang thoát”.
Đây sẽ là những trang có tỷ lệ thoát ra khỏi blog cao nhất.
Ok, bây giờ đến các trang này để điều chỉnh nội dung hoặc thêm các lời kêu gọi hàng động, link liên kết nội bộ… ví dụ ở hình bên dưới Ngọc đã thêm ngay một lời kêu gọi hành động ở trang có tỷ lệ thoát cao.
Cách nhận thông báo chủ động từ Google Analytics
Thông thường để theo dõi các chỉ số thống kê của Google Analytics bạn sẽ cần truy cập trực tiếp, tuy nhiên Google Analytics có cho bạn một lựa chọn để thiết lập nhận email thông báo chủ động.
Với cách này bạn cũng có thể thiết lập những số liệu mà bạn muốn Google Analytics gửi cho bạn. Để thiết lập nhận thông báo bạn vào “Quản trị”
Tiếp tục vào mục “Cảnh báo tuỳ chỉnh”
Nhấn nút “Cảnh báo mới”
Bây giờ bạn có thể đặt tên cho cảnh báo, thiết lập những thông số, điều kiện mà bạn muốn nhận cảnh báo.
Ví dụ ở trên Ngọc sẽ thiết lập nếu số phiên giảm xuống hơn 10% so với tuần trước đó thì sẽ nhận ngay một email nhắc nhở của Google Analytics.
Lời kết
Google Analytics là một công vô cùng mạnh mẽ và hoàn toàn miễn phí. Nó cung cấp cho bạn vô số những dữ liệu người dùng rất chi tiết để giúp cho bạn hiểu họ hơn.
Từ việc hiểu họ hơn bạn sẽ biết cách tạo ra những nội dung mà họ thích, họ quan tâm, biết họ sống ở đâu, họ dùng mạng xã hội nào, dùng loại điện thoại, hệ điều hành gì… cũng giúp bạn có thể mang nội dung của bạn đến “đặt trước mặt họ”…
Thậm chí hiểu được các nguồn lưu lượng truy cập, các kênh còn giúp cho bạn biết cách phải làm thế nào để tăng cường chiến lược marketing tiếp cận người đọc nhiều hơn nữa.
Mục tiêu cuối cùng là để phát triển blog của bạn ngày càng mạnh mẽ hơn, cung cấp giá trị nhiều hơn và đúng với những gì mà người đọc của bạn quan tâm nhất.
- Có ích cho bạn: Sử dụng Google Search Console để tối ưu SEO cho Blog: 6 bí mật mà ít ai tiết lộ với bạn!
Bạn đã cài đặt và tích hợp Google Analytics vào blog chưa? Bạn có thường theo dõi các chỉ số của Google Analytics? Và cách mà bạn sử dụng những thông số này để tối ưu và phát triển blog như thế nào? Ngọc rất muốn nhận được thêm chia sẻ của bạn ở bên dưới phần bình luận đấy!
Cùng đừng quên giúp Ngọc chia sẻ bài viết này đến bạn bè của bạn nhé!
Cảm ơn anh Ngọc. Em cũng đã ra mắt đứa con của em (và anh ahihi) được vài tuần rồi. Vừa viết vừa đọc hết bài này đến bài nọ của anh để cải thiện dần. Có thể nói anh giống như gia sư bỏ túi của em vậy, lúc nào cần mở túi ra có ngay hehe. Mà tới bài này vô thấy các chỉ số toàn âm, đỏ rực, chỉ riêng bounce rate thì cao ngất hic. Em chỉ share link bài viết lên fb cá nhân thôi. Nhưng em biết đường còn dài. Phải tiếp tục kiên trì. Tóm lại là cảm ơn anh lần nữa.
Ok em, xây dựng blog là một làm việc kiên trì cứ mỗi ngày một chút. Viết bài xây dựng nội dung cũng vậy, cứ tích luỹ mối ngày một chút, một chút dần nó thành tài sản, thành kinh nghiệm. Thành đứa con của mình và cứ dẫn lớn lên.
PS: “Con” anh đã hỗ trợ em tạo ra rồi thôi thì em thay anh chăm sóc cho nó lớn. Lúc nào cần hỗ trợ hú anh vì anh nhiều “con” quá 🙂
Website mình hiện tại đã kết nối Google Analytics và cả Google Search Console. Mình hiện tại cũng có cài plugin Google Analytics , bây giờ mình ko muốn cài plugin này vào nữa , vì nó làm web thêm nặng. Giờ mình xóa plugin này có đc ko bạn, có ảnh hưởng gì tới seo hay hoạt động của website ko bạn?? Mình cảm ơn
Xoá đi bình thường nhé bạn, sau đó chuyển việc theo dõi qua bên dịch vụ gốc của Google Analytisc luôn. Xoá plugin không ảnh hưởng gì đến SEO bạn nhé!
Anh Ngọc cho em hỏi, em hay nghe mọi người hay hỏi số lượt truy cập Blog trên ngày là bao nhiêu, mà các thông số trên chả thấy chỗ nào ghi số lượt truy cập cả, vậy nhìn đâu để biết anh, nó chính là số phiên, hay là số lượt xem trang anh nhỉ, hay là User
Cám ơn anh
Em vào mục chuyển đổi, sau đó chọn khu thời gian cần xem lượt truy cập nhé.
Bài viết của bạn rất hữu ích và chi tiết, cám ơn vì đã chia sẻ.
Em đọc bài viết của anh rất nhiều và hay và em đã lập ra 1 blog cho mình và nhắm vào thị trường nước ngoài , nhưng mà em thuê hosting lại ở việt nam và em đang có rất nhiều vấn đề bị lỗi như index và chuyển ngôn ngữ
Oh, nhắm đến thị trường nước ngoài mà mua hosting tại VN thì tốc độ truy cập chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều đó em. Còn việc lỗi index thì cần xem chi tiết lỗi là gì mới có giải pháp khắc phục được em à.
Hay quá. cảm ơn anh. thường thì em cũng chỉ xem lượng truy cập hàng ngày. đọc bài anh xong em biết thêm nhiều thứ.
Rất vui khi em thích bài viết, áp dụng thường xuyên nhé và sẽ thấy hiệu quả.
Anh NGọc e có thắc này muốn hỏi anh.
Khi mình viết bài mà để nhiều màu thì có ảnh hưởng tới SEO ko nhỉ, có bị Google đánh giá thấp ko?
Vì như em viết bài thường để khoảng 3-4 màu cho mỗi bài viết (đỏ, xanh, vàng..), thậm chí có cả thẻ H2, H3 em cũng để màu.
Bài viết nên để nhiều nhất là mấy màu vậy anh nhỉ, có quy định cụ thể nào ko ạ?
Xin cảm ơn anh rất nhiều và chúc blog của a ngày càng phát triển ạ
Không có quy định nào về việc bạn để nhiều màu thì GG đánh giá thấp và khó SEO cả, nhưng tốt nhất bạn nên trình bày văn bản rõ ràng, màu sắc đừng sử dụng nhiều quá khiến người đọc thấy rối mắt và khó chịu. Thường thì sử dụng 3 màu mà thôi. Nội dung thì màu đen, chỗ nào cần nhấn mạnh thì màu đỏ, tiêu đề màu xanh.
@CaoCuong Tks đã chia sẻ
@Dươq Nguyễn: Anh nghĩ không nên để quá 2 màu vì thật ra khi 1 bài viết thường xuyên sử dụng 3 màu thì nhìn thấy cứ chói loá sao ấy, việc này anh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Với lại nhìn nội dung thiếu chuyên nghiệp.
Hiện nay mọi người càng ngày càng thích kiểu trình bày đơn giản và hiện đại.
Cảm ơn anh vì bài viết rất hay và ý nghĩa. Bình thường em cũng cài Google analytics nhưng chỉ xem view với tỷ kệ thoát, qua bài viết này em đã áp dụng được nhiều hơn vào website của mình.
Rất vui khi bài viết giúp ích thêm cho công việc của bạn, nếu có phát hiện hay nào thêm về Google Analytics thì chia sẻ cho mọi người luôn nhé.
Cảm ơn cụ, bài rất hay ạ, Cụ làm thêm bài về Google Tag manager đi ạ, mình làm cái đó vẫn bị lỗi ở đâu đó, híc
Mình sẽ tìm hiểu thêm và hy vọng có gì đó chia sẻ 🙂
Nay mình gặp 1 số lỗi : mình vào chuyển đổi chọn truy vấn mà không hiện ra các chỉ số như bạn làm mà nhận đc thông báo :
Báo cáo này yêu cầu tích hợp Search Console để được bật. (thiết lập chia sẻ dữ liệu)
Mà rõ là mình đã thiết lập Search Console theo hướng dẫn mà vẫn ko đc?
Bạn xem bài này nhé, phần cuối cùng liên kết thuộc tính Google Search Console với Google Analytics: https://ngocdenroi.com/wordpress/them-google-webmaster-tools-cho-website-wordpress.html
Bài viết chi tiết và hay lắm anh. Có một vài chỗ em đọc bài của anh mới hiểu ý nghĩa của nó. Mà em có nghe hay đọc thông tin đâu đó nếu lượt View trên 100.000 hay gì đó thì bắt buộc phải mua hay nâng cấp tài khoản có phí mới có thể sử dụng Google Analytics tiếp được.
Tks em, vấn đề kia thì anh chưa nghe nhưng anh nghĩ không có chuyện đó đâu em.
Anh làm 1 bài tối ưu tỉ lệ thoát đi
Em xem bài này nhé: https://ngocdenroi.com/seo/bounce-rate-la-gi.html
thật tuyệt vời , bài viết của bạn vô cùng hữu ích, cảm ơn bạn đã chia sẻ .Chúc bạn ngày càng thành công !
Cám ơn về lời chúc và rất vui khi bài viết mang đến giá trị cho bạn cũng như mọi người.
Thật ra đây là những thông tin cơ bản, chỉ số cơ bản, nhưng không phải ai cũng để ý và biết phân tích kết nối để có hướng làm tốt hơn
Chính xác bạn à, thường ai cũng cài Google Analytics vào blog nhưng phần lớn chỉ xem lưu lượng truy cập lên hay xuống chứ ít khi phân tích các số liệu sâu để tìm giải pháp gia tăng hoặc cải thiện.