Nói đến blog thì có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến một trang nhật ký cá nhân, và chủ blog đó sẽ viết mọi thứ mà họ thích trên đó nhằm thu hút người đọc. Điều đó là đúng nhưng chưa đủ, blog còn nhiều hơn cả một trang nhật ký cá nhân và nó có thể được xem là một công việc có thể tạo ra thu nhập.
Bạn hãy thử nghĩ xem các blog như ngocdenroi.com, thachpham.com nếu không tạo ra thu nhập thì tại sao họ lại tập trung phát triển blog trong thời gian dài như vậy? Và ở đây, mình sẽ giải đáp cho bạn cách một blog tạo ra thu nhập như thế nào, và từng bước để giúp bạn tự tạo ra một trang blog chuyên nghiệp như vậy.
Trước khi đi vào chi tiết, mình xin tự giới thiệu mình là Phạm Ngọc Thạch, hay còn được biết đến với tên Thạch Phạm với blog cá nhân là thachpham.com hoạt động từ năm 2012 đến nay. Hiện tại ngoài viết blog thì mình còn phát triển công ty về dịch vụ Hosting tên là AZDIGI.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ hết mọi thứ về việc xây dựng blog, cũng như kinh nghiệm của bản thân trong việc phát triển blog cho riêng mình như thachpham.com và một số blog khác của khách hàng của mình.
Tại sao bạn nên có một blog cá nhân?
Trừ khi bạn là người không thích viết blog hoặc không thích chia sẻ cảm xúc, chia sẻ kiến thức của mình thì việc làm blog cá nhân luôn có lợi và không hề phí hoài thời gian một chút nào vì nếu bạn đang có dự định phát triển một blog cá nhân nghiêm túc, thì việc đầu tư này sẽ mang lại giá trị khác trong tương lai mà không phải lúc nào cũng có thể quy ra tiền.
Viết blog là một cách để học
Nếu bạn đang định viết blog về chủ đề nào đó thì bạn sẽ phải chắc chắn các nội dung bạn cung cấp phải thật chính xác, khách quan để làm thỏa mãn nhu cầu của người đọc mà không lo ngại bị ném đá. Nhưng đối với mình, do blog là thuần về kỹ thuật nên ngay cả khi viết blog một thời gian thì kiến thức của mình còn có rất nhiều lỗ hổng.
Và một cách để giúp mình luôn có ý tưởng viết bài, có thể diễn đạt trôi chảy với độc giả của mình là tự đi nghiên cứu thêm. Mình không ngừng tìm kiếm các khóa học trên internet liên quan đến nội dung của mình để học thêm nhằm kiểm chứng kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, sử dụng Feedly để chắt lọc nội dung liên quan mà đọc hàng ngày để lấy ý tưởng; và những việc đó vô tình làm kiến thức của mình thêm vũng chãi hơn.
Hãy tin mình đi, bất kỳ ai muốn phát triển blog của mình lâu dài thì cũng phải ngày đêm học “lén lút” để tích lũy kiến thức và chia sẻ lại trên blog của mình, và mình đoán anh Ngọc cũng như thế.
Chưa kể trong thời gian viết blog, bạn cũng sẽ học thêm các kiến thức bên lề nếu bạn chưa biết về nó như:
- SEO và viết nội dung chuẩn SEO.
- Inbound Marketing.
- WordPress.
- Email Marketing.
- Kỹ thuật viết cho nhiều đối tượng độc giả khác nhau.
- Quản lý thời gian.
- Kỹ năng viết, nếu bạn thích viết thì cứ viết, việc viết blog sẽ giúp bạn luyện kỹ năng viết.
- Các kiến thức chung về website, hosting,…
Nói tóm lại, viết blog là một hình thức học và tích lũy kiến thức, mình tin chắc nó là như vậy.
Viết blog để xây dựng thương hiệu cá nhân
Blog là một cách rất tốt để xây dựng một thương hiệu cá nhân về một lĩnh vực nào đó và điều này sẽ giúp bạn nổi tiếng, nếu bạn nghiêm túc với sự đầu tư vào blog. Mình thì lý do bắt đầu làm blog không phải là xây dựng thương hiệu cá nhân, nhưng sự đầu tư không ngừng nghỉ và cung cấp nội dung bằng cả cái tâm của mình nên điều đó giúp nhiều người nhớ và biết đến mình nhiều hơn.
Hay bạn thử nhìn xem blog anh Ngọc mỗi ngày có bao nhiêu độc giả và không phải anh ấy đang rất có nhiều sức ảnh hưởng từ thương hiệu cá nhân? Ngoài ra mình có thể kể đến một số cái tên khác như Oanh Phạm của Giupbanlamdep, Giang của Giang Ơi, Lê Nam của VietMoz, Mai Xuân Đạt của SEO Ngon,… đều là những thương hiệu cá nhân rất có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực của họ.
Vậy thương hiệu được hình thành từ đâu? Đó là từ những giá trị mà bạn cung cấp từ blog đến độc giả, hãy cung cấp nội dung có giá trị, đặc sắc và nhiều người sẽ tin tưởng vào những nội dung đó, lâu dần trở thành fan và từ từ bạn sẽ trở thành một celeb chính hiệu.
Viết blog để tạo ra thu nhập
Viết blog kiếm tiền không phải là một chủ đề hoang tưởng giống như thời 10 năm trước, mà thậm chí giờ đây nó còn là điều dễ dàng. Xu hướng hiện tại ngoài các kênh marketing truyền thống, các doanh nghiệp còn rất quan tâm vào quảng bá sản phẩm/dịch vụ của mình đến người dùng thông qua hình thức Inbound Marketing và sử dụng thương hiệu cá nhân có ảnh hưởng là một trong số các cách trong chiến dịch marketing hiện nay.
Đó là lý do tại sao bạn thường thấy giá đăng bài của các KOL (người có ảnh hưởng trong lĩnh vực nào đó) luôn cao ngất ngưởng và nếu bạn là một blogger nhiều người biêt đến thì bạn đã là một KOL rồi.
Bên cạnh đó, các hình thức kiếm tiền trên blog rất đa dạng như Tiếp thị liên kết, đặt quảng cáo từ Google Adsense hoặc bán vị trí quảng cáo cho doanh nghiệp nếu blog bạn có lượng độc giả quay lại thường xuyên.
Các blogger nổi tiếng trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam đều kiếm được số tiền kha khá với blog cá nhân của mình đơn cử như SmartBlogger kiếm $100.000/tháng, CreateAndGo với $100.000/tháng, JohnChow kiếm khoảng $40.000/tháng và một số mạng lưới blog lớn khác như Mashable ($600.000/tháng), TechCrunch ($800.000/tháng), Perez Hilton ($450.000/tháng).
Nguồn tham khảo: 10 bloggers making $10,000 to $200,000 per month – plus their Income Report
Còn ở Việt Nam thì sao? Con số thu nhập là điều nhạy cảm ít ai công bố trừ khi có mục đích quảng bá khóa học, nhưng cách đây 5 năm thì thu nhập mình riêng từ thachpham.com là khoảng $4000/tháng, còn bây giờ thì là $0 vì không có kiếm tiền gì từ blog do tập trung vào công ty riêng.
Trong đó khoảng $3000 mình kiếm từ affiliate trên một số nguồn, số còn lại là từ Google Adsense, đăng bài quảng cáo cho thương hiệu nào đó và thi thoảng có một số công ty nhờ mình review sản phẩm của họ để họ phát triển.
Nếu ai đó có giao lưu với mình lâu năm sẽ biết mình chưa bao giờ “khoe” thu nhập của mình và cũng không thích khoe điều này, nhưng mình mạnh dạn tiết lộ tại bài viết này để bạn biết nếu đầu tư một blog nghiêm chỉnh thì bạn hoàn toàn có thể tìm thu nhập thụ động từ việc viết blog toàn thời gian, giống như anh Ngọc.
Viết blog để mở rộng mối quan hệ
Điều chắc chắn khi bạn viết blog đó là có thêm nhiều mối quan hệ, và biết đâu trong số đó là gồm những mối quan hệ có lợi trong việc “làm ăn” sau này. Nhưng nói đùa vậy thôi chứ mối quan hệ nào cũng giúp ta ít nhiều gì trong cuộc sống, bởi vậy người ta mới có câu Nhất quan hệ, nhì tiền tệ mà.
Mình cũng chia sẻ một chút là Công ty cổ phần AZDIGI mình có một Co-founder là người mình quen biết trong thời gian phát triển blog ThachPham.com.
Vậy xây dựng blog bạn phải trả giá điều gì?
Ở trên là những mặt có lợi, nhưng mọi thứ đều có cái giá của nó, chỉ là bao nhiêu thôi. Mình phát triển thachpham.com từ năm 2011 đến hiện tại là 9 năm, ngoài thu nhập, sự nổi tiếng mà mọi người thấy và công nhận, thì bạn nên biết những mặt tối sau lưng của nó.
Phát triển blog thật sự khó khăn
Có một điều bạn cần phải biết đó là việc phát triển một blog đến mức mang lại thu nhập ổn định là một công việc khó khăn khi bắt đầu. Mình còn nhớ khi bắt đầu blog năm 2011, mọi thứ có vẻ dễ dàng trong vòng 1 tháng và chưa ai biết đến vì lúc đó bạn muốn viết gì thì viết, làm gì thì làm.
Nhưng đến khi có người quan tâm và theo dõi blog bạn thường xuyên, mình bắt đầu có các suy nghĩ như:
- Bài viết của tôi như vậy có đúng chưa
- Tôi chưa tự tin vào kiến thức của mình lắm
- Nên đăng giờ nào để thu hút nhiều lượt xem hơn
- Tôi phải lên kế hoạch trả lời bình luận thế nào.
- …
Đây chính là lúc mình cần phải đầu tư nghiêm túc vào blog nhiều hơn, và mình bắt đầu viết những gì độc giả mình quan tâm, không phải viết vì những điều mình thích viết.
Có những hôm bí ý tưởng viết, không biết bắt đầu từ đâu nhưng cái ám ảnh trong lòng phải đăng bài cứ âm thầm cháy trong bản thân khiến ta không thể ngồi yên, và rồi lại lao đầu vào việc tìm tòi viết lách ngày đêm kể cả khi mọi người trong gia đình yên giấc.
Điều đầu tiên bạn cần biết đó chính là để một blog thật sự phát triển, có thể bạn sẽ cần viết blog toàn thời gian. Không phải toàn thời gian làm việc 8 tiếng giờ hành chính đâu nhé, mà là toàn thời gian của bạn.
Bạn là độc thân, chưa có gia đình và nhiều điều ràng buộc thì chúc mừng bạn. Nhưng bạn là một người có gia đình, với nhiều nỗi lo toan khác nhau trong cuộc sống mà vẫn phát triển được blog thì bạn là một trong số hiếm những người có khả năng đó và thật sự rất giỏi sắp xếp công việc. Hoặc có thể do mình dở quá, từ lúc cưới vợ sinh con đến nay không còn đủ thời gian phát triển blog thachpham.com.
Không kiếm tiền nhanh như bạn nghĩ
Có thể bạn nghe tới những con số nghìn đô ở trên sẽ giật mình và có chút gì đó “thèm thèm”, nhưng từ lúc blog mới hình thành cho đến lúc nó kiếm ra tiền thì thật sự không dễ dàng gì.
Mình chia sẻ thật là blog thachpham.com mất 2 năm phát triển mới có thu nhập đầu tiên. Có thể thời gian này hơi lâu và bạn có thể làm nhanh hơn, nhưng bạn cứ nên hiểu rằng để kiếm tiền từ blog thì không phải điều dễ dàng gì, việc này cần sự kiên định vào niềm tin của bản thân và lao động thật sự không ngừng nghỉ. Thành công nào chẳng phải như thế.
Với các blogger chuyên nghiệpthì họ sẽ có một chiến lược bài bản khi tạo một blog mới, từ khâu chọn chủ đề viết bài, tên miền tối ưu cho SEO, đến nghiên cứu từ khóa, viết nội dung đỉnh cao và SEO lên thứ hạng tìm kiếm cao nhất để có lượt truy cập và từ lượt truy cập sẽ chuyển đổi thành tiền. Bấy nhiêu đó thôi có thể tính thời gian lên tới vài tháng rồi, còn là một người mới thì thời gian này có thể sẽ lâu hơn.
Do vậy thường mình thấy suy nghĩ một người chưa có kinh nghiệm làm blog để kiếm tiền thường sẽ dễ nản chí ở giai đoạn đầu tiên. Cho nên khi tạo blog, điều quan trọng là mình phải tìm một lý do có ích khác xếp trên việc kiếm tiền để chuẩn bị cho giai đoạn làm việc mệt mỏi mà chưa tìm được xu nào.
Giống như ở thachpham.com, nói không phải đùa chứ nhiều lúc mình chẳng quan tâm nó kiếm được bao nhiêu vì mình có thu nhập khác bù vào, vì vậy nên mình cứ viết với mục tiêu giúp những người chưa biết gì hiểu về WordPress, giúp đỡ họ làm website dễ dàng hơn và đặc biệt là mục tiêu trau đồi kiến thức từ việc viết bài.
Thu nhập không ổn định
JohnChow thời kỳ đỉnh cao có thể kiếm ra $100.000/tháng, mà bây giờ anh ấy chỉ dám công bố là $40.000/tháng thì đều có lý do cả, vì thu nhập từ blog cá nhân không ổn định và luôn tăng dần theo suy nghĩ của nhiều người.
Thu nhập có thể lúc cao, nhưng cũng có thể lúc rất thấp tùy theo thị hiếu của thị trường. Mình lấy ví dụ blog bạn chủ yếu viết về phượt chẳng hạn, rồi sau đó nhiều báo đăng các mặt trái của dân phượt nên ảnh hưởng đến tâm lý của độc giả và ít người đọc hơn.
Ngoài ra thu nhập sẽ bị giảm nếu thứ hạng website bạn trên Google thay đổi vì nhiều lý do khác nhau như họ cập nhật thuật toán, bị phạt,… Bởi vì lượt truy cập chính là chìa khóa kiếm ra tiền trên blog.
Nên nếu bạn muốn thu nhập luôn tăng liên tục thì phải làm việc liên tục trên blog của mình không ngừng nghỉ.
Vậy đó, liệu bạn có muốn tiếp tục dấn thân vào con đường làm blog chuyên nghiệp? Nếu có, hãy tiếp tục đọc bài này ở phía dưới nhé.
Chuẩn bị làm blog chuyên nghiệp
Giống như bao công việc khác, nếu chúng ta dành thời gian vào việc chuẩn bị kế hoạch thật kỹ thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi thực thi công việc, và chuẩn bị một kế hoạch làm blog chu đáo sẽ giúp bạn đỡ phải lúng túng không biết làm gì tiếp theo.
Dưới đây là những bước mình làm khi phát triển blog.
Xác định kiểu blog
Blog có rất nhiều kiểu, có người thì hiểu nó là trang nhật ký cá nhân, có người hiểu blog là chỉ viết các bài thể hiện quan điểm về một việc nào đó. Nhưng bạn hãy nghĩ đơn giản thôi, blog là website cá nhân của bạn và duy trì bằng việc cập nhật nội dung.
Như vậy trước tiên bạn cần xác định blog của bạn thuộc kiểu gì, một blog có thể có nhiều kiểu khác nhau, nhưng tốt hơn hết bạn nên biết kiểu nào là nội dung chính trên blog:
- Blog về hướng dẫn: Bạn là người chia sẻ các hướng dẫn về một việc nào đó, giống thachpham.com hay ngocdenroi.com chẳng hạn.
- Blog chia sẻ quan điểm cá nhân: Bạn chia sẻ quan điểm của mình về một sự việc hay cái gì đó, đưa ra các gợi ý, hoặc giải bày chính kiến cá nhân, giống như giangoi.com hay SparringMind.
Cái này là dựa theo quan điểm cá nhân của mình, vì mình thấy có một số blog mới làm thường hay bị một lỗi đó là cố gắng nhét hết mọi thứ vào trong blog của mình với suy nghĩ sẽ đa dạng hơn, nhưng mình thấy các blog chuyên nghiệp họ rất kiên định vào kiểu nội dung, phong cách viết của họ và bạn cũng nên như thế.
Xác định chủ đề của blog
Sau khi xác định được kiểu rồi, điều quan trọng nữa là hãy xác định chủ đề của blog. Xác định chủ đề của blog tức là bạn phải hiểu rõ blog của mình nói về cái gì, một blog có thể có 2-3 chủ đề nhưng nó nên liên quan với nhau.
Nếu bạn có quá nhiều nội dung mang chủ đề khác nhau trên blog thì bạn buộc phải viết nhiều bài, mà viết nhiều bài thì độc giả chủ đề chính trên blog khi truy cập vào rất khó để họ tìm nội dung mà họ thật sự quan tâm, thế là họ thoát ra.
Nói đến chủ đề thì có 2 dạng chủ đề trên blog gồm:
- Niche Blog: Là một blog nói về một chủ đề nhỏ hoặc ngách duy nhất. Đây là loại blog thường được các blogger chuyên nghiệp xây dựng tùy theo thị trường hoặc thời điểm nào đó trong năm để kiếm tiền affiliate. Ví dụ nếu bạn hay search (tìm kiếm) thì lâu lâu mình sẽ gặp một số trang cung cấp nội dung xoay quanh cái thứ mà bạn đang search thôi thì đó là niche blog.
- Authority Blog: Cũng là một blog về một chủ đề nào đó nhưng nó sẽ rộng hơn, có liên quan mật thiết với nhau và ở Authority Blog thì thường là công bố rõ danh tính hơn, hiểu theo cách khác thì đây là một dạng blog có nội dung chuyên nghiệp hơn. Các trang mà bạn đang biết như thachpham.com, ngocdenroi.com, makemoon.net, giupbanlamdep.com đều là Authority Blog. Ví dụ bạn có thể làm một blog về làm đẹp, trong làm đẹp đó có bao gồm kinh nghiệm make, mix quần áo, làm tóc,…nhưng nó đều là liên quan đến làm đẹp.
Vậy thì chọn đề nào? Bạn thấy mình giỏi hoặc thích/đam mê cái gì thì đó chính là chủ đề, nhưng nhớ bám sát vào nó tránh chọn các chủ đề quá rộng. Ví dụ như chủ đề về Công nghệ thông tin thì nên xác định là Lập trình (lập trình web hay ứng dụng), thiết kế hoặc thậm chí là đi sâu vào hơn nữa.
Một blog bạn có thể làm 2 hoặc 3 chủ đề, nhưng đẹp hơn nếu các chủ đề này có liên quan với nhau. Ví dụ bạn làm một blog về du lịch, trong blog đó bạn có 2 chủ đề chính là Du lịch phượt với đánh giá các địa điểm du lịch, các đối tượng người thích du lịch thì bạn có thể thêm một chủ đề nữa là viết về đánh giá sách chẳng hạn, đó là xác định chủ đề dựa theo sở thích chung.
Còn nếu bạn đang lúng túng thì lên Google tìm kiếm các blog về chủ đề giống như của bạn xem họ viết về cái gì, phân loại nội dung thế nào rồi học hỏi. Nên search các từ khóa tiếng Anh nhé vì ở Việt Nam, blog chuyên nghiệp thường không nhiều.
Ngày xưa thachpham.com có rất nhiều chủ đề như WordPress, Digital Marketing, SEO, Blogging, Giveaway,…nhưng sau này mình phải từ từ bỏ hết, đặc biệt là chủ đề Blogging mình có rất nhiều bài viết tâm huyết. Đơn giản là lúc đó blog quá loãng và dàn trải, nên từ lúc đó mình định hướng blog theo thuần kỹ thuật hơn nên bỏ bớt các chủ đề không liên quan. Dĩ nhiên như vậy mình bỏ phí rất nhiều thời gian viết bài trước đó, đừng như mình nhé.
Lựa chọn tên của blog và tên miền
Ngoài nội dung hay thì còn một yếu tố giúp người đọc dễ nhớ đến bạn hơn đó là tên thương hiệu của mình, và thường là tên thương hiệu sẽ trùng với tên miền.
Có rất nhiều kiểu đặt tên thương hiệu, mà dễ gặp nhất là đặt tên thương hiệu theo chủ đề như blogdulich, quantrimang và mình nghĩ rằng đặt tên kiểu này sẽ không hay, vì bạn đang vô tình bó buộc giới hạn vào tên miền và chưa được “chất” cho lắm.
Bạn có thể đưa tên của chính mình vào làm tên thương hiệu, giống như mình, hay phá cách thêm một xíu nữa kiểu Ngọc Đến Rồi, Giang Ơi chẳng hạn. Hoặc nghĩ ra một cái “nickname” dễ đọc, dễ nhớ, dễ viết. Đừng ngần ngại nếu bạn thấy nó củ chuối hay xấu quá, một khi blog bạn đã nhiều người nhớ tới rồi, thì bạn đặt tên gì nó cũng sẽ đẹp hết.
Còn đối với tên miền thì bạn có thể chọn bất kỳ loại tên miền nào nhưng để tối ưu lẫn ngân sách và dễ nhớ thì cứ chọn tên miền .com, dù khi sử dụng .com thì bạn sẽ rất khó lấy tên yêu thích vì khả năng trùng rất là cao.
Ngoài ra trong việc chọn tên miền, bạn lưu ý là chọn tên miền không bị bỏ dấu khi gõ lên trình duyệt với người sử dụng kiểu gõ TELEX, đây chỉ là một điểm nhỏ nhưng sẽ gây ra không ít phiền toái cho những người gõ TELEX khi muốn truy cập vào blog của bạn, ví dụ nếu bạn chọn tên miền là “laroiday.com” thì với những người gõ trên trình duyệt nó sẽ bị như thế này đây:
Lựa chọn nền tảng làm blog
Nói về nền tảng làm blog thì có rất nhiều, nếu bạn tìm trên Google thì sẽ thấy một số nền tảng như Blogspot, WordPress.Com, WordPress.Org, Ghost,…nhưng phổ biến hơn cả và mình cũng khuyên bạn dùng luôn đó là sử dụng WordPress.Org (từ đây tới cuối bài mình xin ngắn gọn là WordPress) để làm blog ngay từ đầu, dù nền tảng này sẽ khó sử dụng nhất trong các nền tảng khác nhưng tin mình đi, bạn dùng cái nào thì sau này cũng sẽ quay qua WordPress thôi.
Tất cả những blog ở Việt Nam và cả trên thế giới mà bạn biết hầu như đều sử dụng mã nguồn WordPress. Mã nguồn này giúp bạn tùy biến blog mình chuyên nghiệp hơn, bạn làm chủ mọi dữ liệu của mình và có một lượng lớn người sử dụng trên toàn thế giới, kể cả Việt Nam. Tại Việt Nam nếu bạn đi hỏi mã nguồn mở nào nhiều người dùng nhất, thì đó là WordPress.
Về cách sử dụng WordPress thì ngay khi bắt tay vào làm blog bạn sẽ tiếp xúc với nó, hoặc bạn có thể tham khảo series Hướng dẫn WordPress tại ThachPham.Com hoặc khoá học 1.2.3 Blog của NgocDenRoi để tìm hiểu chi tiết nhất.
Lựa chọn nhà cung cấp Hosting và tên miền
Với hosting và tên miền thì bạn có thể đăng ký ở bất kỳ nhà cung cấp nào mà bạn tin tưởng và chính sách hỗ trợ phù hợp với bạn nhất. Còn ở đây cả mình và anh Ngọc sẽ đều gợi ý sử dụng hosting cũng như đăng ký tên miền tại AZDIGI để vừa tiện cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ Hosting vượt trội do chính mình thiết kế gói dịch vụ và tối ưu hệ thống, để đảm bảo website sẽ luôn truy cập nhanh nhất với các công nghệ hỗ trợ tối ưu như LiteSpeed Webserver cho tốc độ vượt trội, bảng điều khiển cPanel trực quan, tăng cường bảo mật website với Imunify360 và CloudLinux, sao lưu dữ liệu tự động mỗi ngày, hệ thống ổ cứng SSD Enterprise và hỗ trợ kỹ thuật 24/7/365.
AZDIGI cũng được nhiều blogger nổi tiếng tại Việt Nam lựa chọn từ nhiều năm nay nên bạn có thể yên tâm sử dụng.
Để biết cách đăng ký Hosting và tên miền tại AZDIGI, bạn có thể tham khảo video của anh Ngọc nhé.
Và sau khi đã chuẩn bị đủ 5 bước trên, bạn có thể tiến hành bắt đầu làm blog ngay lập tức, ngay bây giờ hoặc không bao giờ nếu bạn thật sự muốn phát triển blog cá nhân, đừng chần chừ gì cả.
Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tham gia khóa học 1.2.3 BLOG miễn phí của NgocDenRoi để từng bước xây dựng một blog cá nhân chuyên nghiệp cho mình nhé.
Sau khi bạn đã có một blog rồi, bạn có thể tiếp tục đọc chia sẻ của mình ở dưới trong việc phát triển blog.
Từng bước phát triển Blog chuyên nghiệp
“You are the captain of your own ship; don’t let anyone else take the wheel.” ― Michael Josephson
Nước ngoài có một câu mình rất hay gặp đó là “You are the captain of your own ship” (dịch nôm na: Bạn là thuyền trưởng trên con tàu của chính bạn). Và blog là blog của bạn, bạn có thể phát triển theo cách nào đó mà bạn cho rằng nó phù hợp với khả năng cũng như định hướng phát triển.
Tuy nhiên nếu bạn chưa biết bắt đầu phát triển blog thế nào để tiết kiệm thời gian mà hiệu quả thì có thể tham khảo kinh nghiệm riêng của mình ở dưới nội dung bài viết này.
Viết nội dung
Một trong những yếu tố sống còn của một blog đó là nội dung, dĩ nhiên rồi vì không có nội dung thì không phải gọi là một blog. Như vậy việc làm blog đồng nghĩa với việc chúng ta phải phát triển nội dung liên tục từ ngày này qua năm nọ không ngừng nghỉ. Thông thường đối với mình, việc viết nội dung sẽ tuân thủ theo các bước dưới đây.
Nghiên cứu chủ đề & Tìm ý tưởng
Trước khi viết bất kỳ một bài viết nào, mình đều phải dành phần lớn thời gian vào việc nghiên cứu về chủ đề mình cần viết. Trước tiên chủ đề bạn chuẩn bị viết phải bám sát vào chủ đề của blog, tránh viết lan man đụng cái gì cũng thích là viết thì blog của bạn sớm sẽ bị loãng ngay. Bản thân mình thích rất nhiều cái, nhưng tại sao thachpham.com chỉ có về WordPress, Web Development và SEO? Đó là việc bám sát chủ đề.
Nghiên cứu chủ đề nghĩa là chúng ta phải tìm hiểu về thông tin của chủ đề cần viết ở nhiều nguồn khác nhau (đặc biệt là nguồn tiếng Anh) để đảm bảo nội dung cung cấp cho mình là chính xác. Bạn nên có một công cụ nào đó để lưu lại tất cả những nguồn tài liệu nghiên cứu của mình vào một nơi và dễ xem lại khi cần.
Còn khi bạn bí ý tưởng, thì cách nhanh nhất để có ý tưởng viết bài đó chính là đọc thật nhiều. Thói quen của mình đó là sử dụng dịch vụ Feedly để theo dõi tất cả các blog, website có chủ đề liên quan (kể cả đối thủ) đến việc viết bài của mình và đọc nó hằng ngày vào mỗi buổi sáng.
Và thường là bạn nên đọc nhiều nguồn từ tiếng Anh (và ngôn ngữ khác nếu có thể) và nắm bắt ý bài viết của họ, sau đó tự nghiên cứu lại chủ đề đó theo sự hiểu biết của mình và viết thành một bài riêng cho mình dựa theo các nguồn đó.
Hoặc nếu bạn muốn biết thêm ý tưởng viết bài, thì có thể tham khảo bài viết 10 cách tìm ý tưởng xây dựng website/blog của KiemTienCenter nhé.
Tìm cách tạo điểm nhấn của nội dung
Blog của bạn sẽ khó mà phát triển nếu như các bài viết thiếu điểm nhấn, không có sự khác biệt. Bạn cần biết rõ thế mạnh viết bài của mình là gì và biến nó thành một điểm nhấn. Chẳng hạn như đối với ThachPham.Com thì điểm nhấn chính là sự chi tiết, viết bài cho người chưa hiểu gì (for dummy) và đó chính là một điểm khác biệt.
Một số gợi ý tạo điểm nhấn:
- Bài viết chi tiết.
- Văn phong hài hước.
- Vốn từ phong phú.
- Có chiều sâu về chuyên môn.
- Khả năng tổng hợp tốt.
5 bước để viết một bài blog chuyên nghiệp
Bước 1. Nghiên cứu từ khóa
Để một bài viết của bạn có cơ hội tiếp cận với nhiều người hơn nhờ xuất hiện tại các vị trí cao nhất trên kết quả tìm kiếm, thì việc đầu tiên đó là nghiên cứu từ khóa. Từ khóa ở đây chính là một cụm từ ngắn nói đến nội dung mà bạn đang muốn viết, và từ khóa này phải đảm bảo là có nhiều người tìm kiếm vì một bài của bạn có từ khóa không phổ biến thì có nghĩa là sẽ chẳng ai biết tới.
Để phân tích từ khóa thì bạn có thể sủ dụng một số công cụ như:
- Google Keyword Planner – Cần tài khoản Google Ads.
- KeywordPlanner.VN – Phân tích từ khóa không cần tài khoản Google Ads, nhưng cần trả phí để xem báo cáo đầy đủ.
- SemRush
Nếu bạn cần tìm hiểu chi tiết hơn về việc nghiên cứu từ khóa, hãy đọc bài Keyword Research: Hướng dẫn nghiên cứu từ khóa hiệu quả nhất của anh bạn của mình – Nam Lê đến từ Vietmoz.
Bước 2. Viết nháp và chỉnh sửa
Trên blog của mình và mình tin là blog NgocDenRoi cũng thế, có nhiều bài viết mà phải mất một thời gian dài mới có thể hoàn thành, có khi là vài ngày mà cũng có khi là nhiều tuần. Thế nhưng có một cách để bài viết của bạn khi đăng lên đã chuẩn chỉnh, từ đó bớt việc chỉnh sửa lại nhiều lần khiến độc giả hoang mang; đó chính là luôn tạo outline và viết nháp trước khi viết bài.
Thường là đối với mình sẽ tạo outline bài viết trước khi viết nháp để đảm bảo mọi ý tưởng của mình không bị quên trong lúc viết bài, đặc biệt là các bài dài. Outline là bạn dành khoảng một thời gian để suy nghĩ ra tất cả ý hoặc đề mục có trong một bài viết hoặc serie bài viết (brainstorming). Ví dụ như ảnh bên dưới, mình sử dụng một phần mềm ghi chú để viết lại outline của nội dung bài viết mà bạn đang đọc đây.
Cái outline này một mặt là giúp chúng ta định hình cấu trúc dàn ý của bài viết, một mặt nó còn giúp ghi lại hết tất cả các ý tưởng nên bạn cứ thoải mái viết bừa các ý tưởng mình nghĩ ra trước, sau khi chắc chắn không còn thiếu ý tưởng nào thì dành khoảng 30 phút sắp xếp lại thứ tự cho phù hợp.
Và có outline rồi là đến bước viết nháp, bạn có thể viết chi tiết theo từng ý trong outline và chỉnh sửa sao cho đẹp nhất, khoa học nhất, bổ sung hình ảnh đính kèm đầy đủ và cuối cùng là mới đưa bài lên blog để format lại cho đẹp và phù hợp với website để sẵn sàng cho việc đăng lên.
Bước 3. Sử dụng từ khóa khoa học trong bài viết
Khi bạn đã nghiên cứu được từ khóa trọng tâm rồi thì bạn sẽ cần thêm một số từ khóa liên quan hoặc từ khóa đồng nghĩa (alternative keyword) để đảm bảo bài viết bạn không phải lặp đi lặp lại một từ khóa nhiều lần mà người dùng, Google vẫn hiểu được bài viết bạn đang nói đến vấn đề đó.
Với từ khóa bạn đang có, thì việc đầu tiên đó là đặt một tiêu đề làm sao mà từ khóa chính nên đặt càng đứng trước càng tốt, từ khóa ở đầu tiêu đề bài viết thì càng tốt nữa. Chiều dài tiêu đề đẹp nhất là khoảng 70 ký tự không ngắn quá mà cũng không quá dài.
Kế tiếp là bài viết bạn nên phân theo thứ tự đề mục từ lớn tới nhỏ phân chia theo cấp bậc của thẻ heading và từ khóa của bạn phải có mặt trong một số thẻ heading ở cấp bậc lớn (ví dụ như Heading 2).
Và cuối cùng là từ khóa chính bạn có thể lặp lại khoảng 2-3 lần trong bài viết, còn lại bạn có thể sử dụng các từ khóa liên quan, từ đồng nghĩa.
Bước 4. Một số gợi ý trong việc viết bài
Với 3 bước ở trên là bạn đã có ngay một bài viết rồi, bên cạnh đó mình cũng đưa ra một số gợi ý nhỏ bạn nên làm trong bài viết của mình để nó trở nên sinh động hơn như:
- Nên chèn ít nhất 1 hoặc 2 tấm ảnh mô tả vào bài viết, nhưng cũng không nên chèn nhiều quá trừ khi buộc phải làm vậy.
- Sử dụng một số câu trích dẫn của các câu nói nổi tiếng để tạo cảm hứng cho người đọc giống như câu trích dẫn của Michael Josephson mà mình nói ở trên đó.
- Mỗi đoạn nên viết khoảng 3 dòng, không nên viết quá dài tạo cảm giác khó đọc.
- Định dạng (format) bài viết theo đúng chuẩn của trình soạn thảo văn bản để có thể in ra mà không gặp trở ngại nào. Ví dụ các danh sách thì nên dùng thẻ list trong trình soạn thảo văn bản.
- Không nên sử dụng màu trong bài viết.
- Sử dụng in đậm, in nghiêng và gạch chân đúng chức năng của nó, không nên dùng bữa bãi. Bạn có thể đọc bài viết Bold, Italics and Underlines: How to Use Them Effectively? để biết cách sử dụng đúng và hiệu quả.
Bước 5. Phân loại bài viết khoa học với Danh mục bài viết và Thẻ
Nếu bạn sử dụng WordPress để làm blog thì mỗi bài viết bạn có thể phân loại nó dựa vào hai kiểu phân loại đó là Danh mục bài viết (Category) và Thẻ (Tag). Nhìn chung cả hai chức năng này đều là để phân loại bài viết, nhưng bạn nên nắm vững sự khác nhau của nó để phân loại tốt hơn.
Ví dụ trên blog của bạn có 3 danh mục bài viết lớn bao gồm:
- Du lịch
- Làm đẹp
- Ẩm thực
Và bạn đang viết bài với nội dung “Các địa điểm đẹp để chụp ảnh trong Sài Gòn” thì bạn nên đặt nó vào danh mục Du lịch, sau đó đặt thêm các tag như chụp ảnh, địa điểm đẹp. Như vậy blog của bạn sẽ không cần tạo quá nhiều chuyên mục lan man mà vẫn có thể viết các nội dung liên quan nhờ vào cơ chế phân loại chi tiết từ tag.
Nhìn chung, bạn nên tạo ít danh mục bài viết và thay vào đó là sử dụng tag để phân loại bài viết vì một bài bạn có thể thoải mái gắn bao nhiêu tag cũng được, người dùng có thể bấm vào tag để xem kỹ nội dung liên quan hơn.
Một ví dụ khác đó là phân tích bài viết này trên VnExpress. Nó đặt trong danh mục Sức khỏe nhưng có 3 tag tên là Covid-19,bùng phát dịch Covid-19 vào mùa hè,dự báo tình hình dịch Covid-19. Rất khoa học phải không nào?
Tại sao mình lại đề cập tới phần sử dụng danh mục và tag kỹ như vậy? Vì đơn giản là một người dùng sẽ không muốn quay lại blog của bạn nếu họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các bài viết có chủ đề tương tự để họ xem. Việc phân chia tag và danh mục khoa học không chỉ giúp người dùng dễ tìm kiếm nội dung hơn mà còn giúp bạn có nhiều cơ hội thu hút lượt truy cập khi vô tình trang lưu trữ của tag được ưu tiên trên kết quả tìm kiếm.
SEO cơ bản cho mọi Blogger
Như mình đã nói ở đầu bài, là khi viết blog chúng ta sẽ học được thêm về kiến thức SEO (Search Engine Optimization – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) để giúp quảng bá blog tốt hơn nhờ vào việc các bài viết đạt thứ hạng cao trên Google.
Trong bài này mình sẽ không thể nói hết về SEO mà chỉ nói qua về các kiến thức SEO mà một blogger cần phải biết thôi. Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ về SEO hơn thì bạn có thể tham khảo các nguồn sau:
- Chuyên mục SEO trên NgocDenRoi
- Chuyên mục SEO trên ThachPham.Com
- Chuyên mục Cách Làm SEO trên Vietmoz
Tối ưu tiêu đề và mô tả website và bài viết
Mỗi website có một cái tên, và trang chủ thì có thêm một cái tiêu đề nó sẽ hiển thị lên tab của trình duyệt và hiển thị trên tiêu đề của kết quả tìm kiếm.
Và trên Google.
Như vậy nếu bạn muốn website thu hút lượt truy cập hơn thì tiêu đề của website bạn nên đặt lại trong khoảng 70 ký tự, chứa từ khóa trọng tâm của website để có thể được thứ hạng cao hơn trên kết quả tìm kiếm.
Đối với WordPress, bạn có thể viết tiêu đề bằng cách vào Settings => General và sửa phần Title. Hoặc sử dụng một plugin hỗ trợ SEO như Rank Math SEO để hỗ trợ tối ưu dễ hơn.
Còn trong bài viết, bạn có thể sử dụng plugin Rank Math SEO mình kể ra ở trên để viết lại tiêu đề của bài viết đó mà không cần sửa lại tên bài viết.
Tối ưu mô tả của website và bài viết
Mô tả của website sẽ chỉ hiển thị trên kết quả tìm kiếm nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng, nó vừa giúp Google xác định từ khóa trong bài viết để hiển thị lên khi người dùng tìm, cũng như là cách để người dùng có thể đọc trước nội dung truy cập trước khi quyết định nhấp vào hay không.
Mô tả này Google sẽ tự động hiển thị một phần văn bản trong nội dung của một liên kết nào đó nếu nó cảm thấy đoạn nội dung đó phù hợp với truy vấn tìm kiếm của người dùng. Như vậy nếu bạn viết mô tả có nhiều từ khóa tối ưu thì Google sẽ ưu tiên hiển thị nội dung mô tả được soạn sẵn hơn, từ đó mô tả sẽ hiển thị đầy đủ nhất cho người dùng.
Ví dụ như bạn đọc cái mô tả ở hình dưới, nó hay hơn là một đoạn nào đó được cắt giữa bài viết đúng không nào.
Ở phần mô tả, bạn nên viết khoảng 160 ký tự và nên chèn từ khóa trọng tâm lên đầu tiên, viết thành một câu hoàn chỉnh thay vì cố gắng nhồi nhét từ khóa vào thì Google sẽ coi nó như là một hành động spam từ khóa.
Giống như tiêu đề, bạn có thể sử dụng Rank Math SEO để thiết lập mô tả cho từng trang, và bạn nên thiết lập mô tả rõ ràng hết cho mọi trang, mọi bài viết, kể cả phần Tag và Danh mục bài viết luôn nhé.
Xây dựng liên kết nội bộ
Liên kết nội bộ nghĩa là các liên kết trong một trang của website dẫn về một trang khác của chính website đó. Như bạn thấy trong bài này, mình dẫn rất nhiều liên kết nội bộ để trỏ về các bài viết khác của NgocDenRoi và đây là một trong các thói quen mà mọi blogger nên làm.
Đây là lý do tại sao mà mình ở phần trước có khuyên là khi viết bài thì nên viết các bài dạng cơ bản, từ đơn giản trước vì ở các bài sau bạn có thể chèn liên kết nội bộ về bài cũ hơn. Khi sử dụng liên kết nội bộ, bạn sẽ có nhiều lợi ích như:
- Giúp người đọc dễ dàng tham khảo thêm các bài viết khác liên quan. Từ đó giúp họ ở trang của mình lâu hơn, và pageview (số lượng trang truy cập cho mỗi người truy cập) sẽ cao và điều này rất tốt từ SEO cho đến việc nó cho thấy nội dung của bạn thật sự thu hút.
- Google sẽ lấy dữ liệu trên website của bạn nhanh hơn, từ đó cập nhật sớm hơn trên kết quả tìm kiếm vì Google Bot khi truy cập vào để đánh chỉ mục website, nó cũng sẽ len lỏi vào các liên kết nội bộ để tiếp tục đánh chỉ mục dữ liệu.
- Các bài viết cũ hơn được liên kết về có khả năng đạt thứ hạng cao hơn cũng như bài viết đang liên kết đến nhờ vào giá trị của liên kết nội bộ.
Và để làm việc này thực ra không khó, bạn có thể nhớ trong đầu của mình là blog mình có nội dung về cái đó và đi tìm lại rồi gắn vào, hoặc sử dụng tính năng Pillar Content trong Rank Math SEO để lưu lại các bài viết quan trọng để dành liên kết đến các bài khác.
Còn mình thì sử dụng nhiều cách khác nhau như:
- Sử dụng plugin SEO SmartLink để thiết lập tự chèn liên kết vào bài viết với các từ khóa định sẵn.
- Luôn tìm kiếm trên blog mình trước khi viết bài để thu thập các bài viết có liên quan và tìm vị trí đẹp để gắn vào.
Về chèn link nội bộ thì bạn có một số kiểu chèn như:
Chèn liên kết theo ngữ cảnh (contextual links)
Liên kết theo ngữ cảnh đó là một liên kết mà bạn chèn thẳng vào bài viết với tiêu đề của bài viết đó để chỉ ra rằng đây là nội dung liên quan, và Google cũng sẽ hiểu điều đó.
Liên kết neo cho từ khóa
Có một kiểu liên kết khác cũng nên thường xuyên áp dụng đó là liên kết neo trỏ đến một bài viết nào đó trên website thông qua một từ khóa. Điều này sẽ giúp Google hiểu rằng liên kết đang trỏ tới có liên quan đến từ khóa đó, từ đó tạo cơ hội cho Google phân tích nhiều hơn để bài được liên kết có thứ hạng cao về từ khóa bạn đang nhắm tới.
Liên kết nội dung liên quan
Các liên kết này giúp bài viết của bạn có chiều sâu hơn nhờ vào việc giúp người đọc dễ dàng tìm hiểu thêm các nội dung liên quan mà bài viết của bạn không thể mô tả được hết. Chèn liên kết nội dung liên quan có thể áp dụng cả tự động và thủ công.
Tự động nghĩa là bạn có thể cài một plugin WordPress như Contextual Related Posts để hiển thị các bài viết liên quan ở cuối nội dung, thi thoảng một số theme cho WordPress cũng hỗ trợ sẵn phần này.
Hoặc chèn theo kiểu thủ công, thường là mình chèn ở giữa bài theo từng phần liên quan luôn, giống như ảnh dưới.
Theo dõi và đo lường với Google Analytics và Google Search Console
Trong khi phát triển blog, bạn sẽ cần biết có bao nhiêu người đã và đang truy cập vào blog của mình, đến từ đâu, hoặc tìm thấy mình qua từ khóa nào trên Google. Các dữ liệu này bạn có thể dễ dàng thu thập từ việc sử dụng công cụ Google Search Console và Google Analytics.
Ở đây mình chỉ giới thiệu đến nó thôi, nên bạn có thể tham khảo 2 bài viết sau để biết cách cài đặt và sử dụng chúng:
- Cách cài đặt Google Analytics vào website
- Cách sử dụng dữ liệu Google Analytics để phát triển blog
- Cài đặt Google Search Console vào website
- Sử dụng Google Search Console để tối ưu SEO cho Blog: 6 bí mật mà ít ai tiết lộ với bạn! (giật tít ác quá)
- Google Search Console: Hướng dẫn đầy đủ nhất (khá dài đấy)
Quảng bá blog
Chúng ta đã có một blog hoàn chỉnh và đã có nội dung trên đó rồi, ngoài việc tự đợi cho Google đưa các bài viết của bạn lên kết quả tìm kiếm thì bạn cũng nên dành thời gian để tự quảng bá blog của mình. Trong phần này mình sẽ đề cập qua một số hướng để quảng bá blog bền vững nhất.
Liên kết backlink với các blog khác
Từ rất lâu rồi, các blogger có một truyền thống là đặt một liên kết bạn bè trên website và trỏ cho nhau. Một mặt là để tạo lượng backlink từ bên ngoài về website nhằm giúp tối ưu SEO hơn, mặt khác xây dựng mối quan hệ bạn bè với nhau.
Nếu bạn có vào thachpham.com và nhìn ở cuối trang thì sẽ có một phần gọi là liên kết bạn bè như hình dưới.
Bạn có thể gửi liên hệ cho các blog khác mà bạn biết và đặt vấn đề trao đổi liên kết giống như vậy, cả hai sẽ đặt cùng cho nhau. Nói đến đây mới nhớ, lâu rồi mình cũng chưa kiểm tra xem các liên kết bên dưới của mình có xóa liên kết của mình không hehe.
Ngoài chèn liên kết kiểu như vậy thì bạn có thể dùng cách khác đó là trỏ về liên kết tới bài viết của họ trong bài viết của mình, điều này sẽ làm cho họ rất vui và từ đó họ cũng sẽ có thể trỏ về bài của bạn khi có cơ hội.
Thi thoảng một ngày đẹp trời nào đó, mình sẽ nhận được tin nhắn kiểu như thế này:
Và sau khi liên kết xong, nếu có thể thì bạn nên gửi mail hoặc nhắn tin cho chủ nhân bài viết được liên kết là vừa gắn cho họ một liên kết vì bài của họ bổ ích. Chắc chắn họ sẽ cảm phục về việc làm của bạn, từ đó bạn sẽ có thêm mối quan hệ. Easy!
Dĩ nhiên để làm được điều này, chúng ta cần vượt qua sự ích kỷ của bản thân với một mục đích duy nhất là giúp độc giả tìm được nội dung có chất lượng hơn. Ngay cả bài bạn đang đọc đây, mình có liên kết với một số trang mà đôi khi mình còn không quen biết nhưng mình Google thấy hay là cứ liên kết thôi, mình cũng không có thời gian liên hệ để thông báo cho họ nữa.
Bình luận ở blog khác
Một cách nữa để xây dựng mối quan hệ đó là nên thường xuyên ghé thăm các blog khác, đọc bài của họ và để lại bình luận “thật có tâm” để họ có thêm niềm vui, và lâu dần quen mặt thế là quen nhau, lại easy!. Nói thì nghe vui vậy nhưng đây là một việc làm nghiêm túc đấy, bởi vì một số nơi cho phép bình luận và chèn liên kết website của mình vào nữa, như blog này chẳng hạn. Bạn vừa có thêm backlink, vừa có thêm mối quan hệ.
Đặc biệt với các blog nào sử dụng CommentLuv thì ở dưới bình luận của bạn còn xuất hiện cả liên kết về bài mới nhất của chính mình nữa. Nhưng có vẻ hiện nay ít người dùng như vậy vì tình trạng spam quá nhiều. Bù lại nếu bạn thu hút bình luận, cứ cài CommentLuv vào blog nhé.
Tạo giveaway
Giveaway nghĩa là một chương trình mà bạn tặng cho độc giả của mình một cái gì đó, hoặc một mini game nhỏ có giải thưởng. Nếu bạn có tiền thì bạn có thể tự bỏ ra và tạo một giveaway ví dụ như gửi bình luận hài hước nhất để nhận iPhone 11 Pro Max chẳng hạn, chẳng mấy chốc blog bạn nổi tiếng ầm ầm.
Nói đùa vậy thôi nhưng giveaway còn phụ thuộc vào độc giả của blog bạn muốn gì, và bạn có thể liên kết với một doanh nghiệp nào đó để làm. Hồi xưa thachpham.com thì hay liên kết với một số đơn vị bán plugin và theme trả phí, xin họ khoảng 5 phần và tạo chương trình share bài viết để nhận quà theo hình thức quay ngẫu nhiên.
Khi dùng giveaway để thu hút lượt truy cập, bạn nên chọn phần thưởng thật tế nhị và phù hợp với độc giả. Đừng nghĩ bạn tổ chức và tặng tiền mặt cho người trúng giải, điều này có thể gây tiếng vang nhưng nó không nói lên được đặc trưng blog của bạn, mà nhiều người sẽ nghĩ nó giống cái máy ATM mở sẵn hơn.
Ví dụ bạn viết blog về du lịch, thì hãy tìm kiếm một voucher vé máy bay, voucher khách sạn hoặc gì đó liên quan sẽ có ích hơn nhiều. Mình nghĩ rằng phần thưởng kiểu này sẽ làm họ nhớ đến bạn nhiều hơn là một vài đồng tiền mặt vô tri.
Cũng nên tránh giá trị lớn quá, vì giá trị quá lớn sẽ đặt độc giả vào tình thế căng thẳng hơn và dễ nảy sinh xung đột, hoặc họ sẽ nghi ngờ về tính minh bạch của giveaway này. Nếu bạn có ngân sách 100 triệu, bạn nên làm 5 lần mỗi lần 20 triệu sẽ hay hơn làm hết trong một lần.
Có trang riêng trên các kênh mạng xã hội
Đây là thời buổi bốn chấm mấy rồi nên mỗi blog dù chủ đề gì cũng nên có một trang fanpage trên Facebook, một tài khoản Instagram và một tài khoản Twitter. Các trang này sẽ giúp độc giả có thêm lựa chọn ghi nhớ blog của mình nhằm theo dõi các bài viết mới, cũng như có thể tương tác với độc giả của mình tốt hơn vì chúng ta đều hiểu rằng thời gian họ truy cập mạng xã hội có thể nhiều hơn là lướt web đó.
Một lý do khác để nên sử dụng mạng xã hội đó là lượt truy cập, khi bạn viết một bài mới thì nên đăng lên trang của mình trên đó và mỗi khi ai đó tìm kiếm trên mạng xã hội mà liên quan đến nội dung thì bạn sẽ có ngay lượt truy cập.
Khi có mặt trên mạng xã hội, đừng quên chèn các liên kết vào website để họ dễ dàng theo dõi bạn, giống như hình dưới chẳng hạn.
Hoặc chèn dưới mỗi bài viết giống thế này.
Sử dụng Email Newsletter
Email Newsletter là một hình thức thông báo bài viết mới hoặc thông tin quan trọng đến độc giả của mình qua email. Điều này sẽ có ích cho độc giả nếu họ sử dụng email thường xuyên và không có thời gian truy cập blog bạn thường xuyên, và bạn cũng có ích khi thu thập địa chỉ email của họ.
Nếu bạn chỉ cần một tính năng nhận thông báo bài mới qua email thì có thể sử dụng công cụ Feedburner, và bật tính năng Email Subscription lên để cho phép độc giả nhận tin qua email.
Sau đó dán đoạn mã họ cung cấp vào chỗ mà bạn muốn hiển thị form này trong website, thường là ngay bên dưới bài viết hoặc cạnh bên của website.
Còn nếu bạn muốn đầu tư hơn và sử dụng các địa chỉ email độc giả làm email marketing sau này thì bạn có thể dùng công cụ khác như GetResponse hỗ trợ rất mạnh. Bạn có thể tham khảo thêm về bài viết “Email Marketing là gì? Hướng dẫn làm Email Marketing hiệu quả” trên NgocDenRoi sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn.
Tham gia cộng đồng tích cực
Khi bắt đầu viết blog thì cũng có nghĩa là bạn đã bước vào “blogbiz” nên việc hoạt động siêu tích cực ở các hội nhóm liên quan là cần thiết. Kể cả dù bạn có thích chốn ồn ào hay không nhưng việc để trở thành một cái tên nhiều người biết tới trong lĩnh vực đó thì bạn phải thường xuyên hoạt động để hỗ trợ, trả lời các thắc mắc cùng chủ đề trên các hội nhóm liên quan.
Giống như việc mình cũng có hoạt động ở một số nhóm mà trong đó nhóm WordPress Việt Nam trên Facebook là chủ yếu. Bạn cần ý thức được rằng khi bạn giúp đỡ họ nhiều hơn, thì họ sẽ nhớ đến bạn. Vì bây giờ là thời đại của mạng xã hội nên nếu bạn vẫn chưa hoạt động trên nhiều hội nhóm thì có lẽ bạn đang bỏ qua một cách để quảng bá tên tuổi có tiềm năng nhất.
Tạo cộng đồng riêng
Ngoài các cộng đồng khác thì bạn cũng nên có một cộng đồng riêng cho mình, để có thể cùng giao lưu và tương tác với độc giả của mình. Nó giống như một fanclub vậy đó.
Thường thì ở Việt Nam thì nhiều người sẽ chọn Facebook và tạo group trên đó để tạo cộng đồng, hoặc bạn muốn tương tác trực tiếp thì có thể sử dụng Slack.
Nếu bạn cần tương tác tốt hơn nữa với cộng đồng của mình, hãy cân nhắc đưa thành viên của mình vào bài viết thông qua việc nhúng bài viết của họ trên nhóm vào bài, một tấm ảnh chụp câu hỏi của họ cũng là một cách để cho độc giả của bạn thấy rằng bạn quan tâm một cách nghiêm túc về cộng đồng này.
Và dĩ nhiên khi đã tạo cộng đồng rồi, bạn nên ý thức được rằng bạn sẽ hoạt động liên tục trên đó vì độc giả tham gia vào đó là vì bạn, cần tương tác với bạn nên hãy thường xuyên trả lời comment một cách nghiêm túc và hữu ích.
Kiếm tiền từ blog
Khi bạn đã có nhiều lượt truy cập vào blog, và để phát triển blog lâu dài thì bạn nên nghĩ đến hướng sử dụng nó tạo ra thu nhập thụ động. Bạn phải có thu nhập thì mới có động lực để phát triển tiếp, và có dư thì tiếp tục tạo giveaway cho độc giả của mình nhằm tăng sự tương tác.
Để kiếm tiền trên blog thì hiện tại ở Việt Nam, chúng ta sẽ có một số cách như sau, và dĩ nhiên là bạn có thể kết hợp sử dụng nhiều cách cùng lúc trên blog của mình.
Kiếm tiền từ Tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing)
Affiliate Marketing nghĩa là bạn giới thiệu độc giả mua một món hàng nào đó thông qua việc nhấp vào liên kết mà bạn gửi, và bạn sẽ nhận được một khoản huê hồng do đối tác quy định sẵn.
Hiện tại ở Việt Nam, mọi người đều có thể bắt đầu làm tiếp thị liên kết thông qua mạng lưới AccessTrade, bạn chỉ việc đăng ký tài khoản và nhúng các liên kết giới thiệu vào nội dung bài viết phù hợp hoặc đặt một banner trên website để thu hút người dùng nhấp vào và mua nó.
Đây là hình thức kiếm tiền phổ biến nhất, dễ tiếp cận nhất và cũng kiếm được nhiều nhất trong thời điểm hiện tại. Nếu bạn vẫn còn lờ mờ về hình thức kiếm tiền kiểu này thì hãy đọc bài “Mới tạo blog nên dùng hosting ở đâu?” của NgocDenRoi, mà ở trong bài viết một vài liên kết trỏ tới AZDIGI và đó chính là liên kết tiếp thị.
AZDIGI sẽ trả cho anh Ngọc một khoản huê hồng nhất định nếu một ai đó nhấp vào và đăng ký dịch vụ. Và tin mình đi, mình là Giám đốc AZDIGI nên biết rằng có những người nhận được hơn 20 triệu đồng mỗi tháng từ huê hồng này và AZDIGI mỗi tháng chi huê hồng với một số tiền không nhỏ. Và đó chính là thu nhập cho các blogger.
Hoặc bạn có thể tham khảo qua trang NoiToiSong.Com cũng của anh Ngọc, trang này chuyên review về các sản phẩm và trong mỗi bài review đều có liên kết tiếp thị.
Bạn đừng lo lắng là họ tính huê hồng như thế nào, vì hiện tại có sự hỗ trợ về công nghệ nên tất cả các hệ thống affiliate đều tự động hóa, chỉ cần có người nhấp vào, đặt mua online và bạn sẽ nhận được tiền ngay.
Nếu bạn muốn bắt đầu ngay bây giờ, thì hãy đọc ngay bài viết Affiliate Marketing là gì? Hướng dẫn kiếm tiền với Affiliate Marketing dành cho người mới nhé.
Hình thức này có ưu điểm là kiếm nhiều tiền hơn tất cả hình thức khác, bền vững và thụ động hơn. Nhưng bù lại bạn phải đầu tư nội dung thật chất lượng để có thể thuyết phục độc giả mua hàng.
Bán vị trí quảng cáo
Hình thức kiếm tiền này cũng khá dễ tiếp cận và hầu như không cần đầu tư nội dung để viết bài, chỉ cần treo banner quảng cáo của đối tác lên và bạn tự định giá hoặc đối tác sẽ tính tiền theo mỗi lượt nhấp vào quảng cáo (CPC) hoặc mỗi lượt truy cập (CPM).
Nếu như hiện tại bạn chưa có đối tác nào mua vị trí quảng cáo thì bạn có thể tận dụng vị trí đó để làm affiliate, hoặc sử dụng một nền tảng bán vị trí quảng cáo rất nổi tiếng là Google Adsense để đặt quảng cáo lên và bắt đầu kiếm tiền.
Tuy nhiên nhược điểm của hình thức này là tiền kiếm ra sẽ phụ thuộc vào lượng truy cập của website nhiều hơn, kiếm ít hơn và nếu làm việc với Google Adsense thì blog của bạn cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc cộng đồng nghiêm ngặt của họ nếu không muốn bị khóa tài khoản vĩnh viễn, dù bạn có tạo tài khoản mới để đặt lên website của bạn thì cũng vô ích vì họ sẽ chặn luôn tên miền.
Đăng bài quảng cáo
Hình thức kiếm tiền này rất phổ biến và cũng tạo ra một lượng thu nhập không nhỏ trên website. Nếu blog bạn có nhiều lượt truy cập, nhiều người biết tới thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp đang cung cấp sản phẩm/dịch vụ phù hợp với độc giả của bạn sẵn sàng bỏ tiền ra để nhờ bạn đăng một bài viết, có thể là bài giới thiệu hoặc đánh giá sản phẩm của họ.
Nếu bạn có ý định kiếm tiền kiểu này, bạn nên dành thời gian soạn ra một tiêu chuẩn bài quảng cáo riêng để đảm bảo bài viết này không ảnh hưởng đến chất lượng của blog, kèm bảng giá nếu cần và công bố nó lên một trang nào đó của website để đối tác có thể dễ dàng tham khảo và ra quyết định ngay trước khi liên hệ đến bạn.
Khi xưa ở ThachPham.Com mình có bán khoảng 20 bài, nhưng trong đó có 2-3 bài là của doanh nghiệp trong nước, còn lại là doanh nghiệp nước ngoài là những đơn vị cung cấp dịch vụ theme/plugin hoặc dịch vụ liên quan đến WordPress. Khung giá của mình cách đây 6 năm là $500 cho một bài đánh giá, $300 cho một bài giới thiệu đơn thuần, còn bây giờ mình không bán bài viết nữa rồi. Nghe có vẻ hấp dẫn đúng không nào?
Nhược điểm của hình thức kiếm tiền này là nếu lạm dụng quá thì sẽ làm blog bạn trở nên nhạt nhẽo hơn, và đôi khi nó gây tâm lý không hay lắm cho độc giả của mình. Do vậy nếu quyết định bán quảng cáo bằng bài viết thì hãy cố gắng làm cho bài viết đó thật tự nhiên và không ai biết bạn đang quảng cáo thì càng tốt.
Hệ thống thành viên (Membership)
Hình thức kiếm tiền này có vẻ là khá hiếm tại Việt Nam, đó là kiếm tiền dựa trên việc thu tiền để xem nội dung trên blog. Nghe có vẻ điên rồ lắm phải không? Nhưng không đâu, bù lại thì nó rất hợp lý.
Bạn quay video một khóa học nào đó và đăng lên website, sau đó buộc thành viên phải trả tiền để xem nội dung đó thì cũng được coi là hệ thống membership. Dường như hiện tại nội dung bằng chữ sẽ không thu hút độc giả bỏ tiền ra để đọc hơn là video, và để làm được điều này thì nội dung của bạn phải có một ma lực nào đó rất khủng khiếp thì mới chịu có người trả tiền để đọc.
Tại nước ngoài thì hình thức này lại phổ biến hơn nhiều, nếu bạn đọc nhiều thì chắc sẽ biết trang Medium và nếu bạn muốn đọc liên tục nhiều bài thì sẽ cần trả một khoảng phí $5/tháng hoặc $50/năm, ngoài ra thì còn có rất nhiều trang đang kiếm tiền kiểu này như:
- International Living
- Copyblogger
- BlueApron
- The Game Changer
- SmartBlogger
- LadyBoss
- Succulents and Sunshine
Nếu bạn sử dụng WordPress thì có rất nhiều plugin hỗ trợ việc này như S2Member, MemberPress.
Một số kinh nghiệm khác khi viết blog
Ở trên là những gì liên quan đến việc làm một blog và phát triển nó theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình. Ở phần cuối này, mình sẽ dành một chút để chia sẻ thêm một chút các kinh nghiệm bên lề mà có thể nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong suốt quãng thời gian làm blog, kể cả làm blog bán thời gian hay toàn thời gian.
Các công cụ hữu ích khi làm việc
Trong thời gian viết blog, chúng ta không chỉ có viết và viết mà còn phải làm các việc bên lề khác như nghiên cứu, kiểm tra email, làm việc với đối tác,… nên dưới đây mình sẽ liệt kê ra một số công cụ hữu ích mà mình đã và đang sử dụng nó hàng ngày khi làm việc liên quan đến blog.
- Canva – Mình không phải là người chuyên thiết kế nên để tự làm các banner nổi bật cho bài viết thì khá khó, và Canva là vị cứu tinh của mình. Mặc dù bạn sẽ phải trả phí để sử dụng nhưng nó rất đáng, mình có thể thiết kế ảnh dại diện cho bài viết, ảnh minh họa hoặc infographic chỉ với một công cụ duy nhất này.
- Grammarly – Mình không viết blog tiếng Anh, nhưng mình viết tiếng Anh thường xuyên để bình luận hoặc gửi email cho các blog nước ngoài khác, và trao đổi qua email với vài đối tác. Với Grammarly, nó giúp mình kiểm tra lỗi cú pháp, lỗi chính tả và cả tối ưu đoạn văn bản của mình trông chuyên nghiệp hơn nhờ vào công nghệ AI. Thực ra dạo này mình ít dùng rồi nhưng khi cần thì không có không chịu được nên cứ phải duy trì.
- Feedly – Ở đầu bài mình có nói là mình luôn theo dõi các bài viết liên quan đến chủ đề viết blog của mình hằng ngày từ nhiều nguồn khác nhau, và dĩ nhiên mình sẽ không truy cập vào từng website để đọc mà sử dụng một công cụ trung gian, và đó là Feedly. Bạn có thể dùng gói miễn phí của Feedly để nhận ra nó giúp bạn nhiều như thế nào, và khi bạn thấy nó có ích mà cần sử dụng thêm nhiều tính năng chuyên nghiệp khác của nó thì có thể trả phí sau.
- CrazyEgg – Nếu bạn muốn biết phần nào trên blog mà độc giả hay rê chuột tới nhiều nhất để click, hoặc mắt của họ tập trung vào đâu đầu tiên thì hãy sử dụng công cụ heatmap này. Nó sẽ giúp bạn phân tích các “vị trí vàng” trên blog để từ đó tận dụng vị trí đó để kiếm ra tiền bằng cách treo quảng cáo hoặc bán cái gì ở vị trí đó. Đến nay công cụ này mình vẫn sử dụng cho cả blog và các website doanh nghiệp của mình.
- Trello – Mặc dù hiện tại mình không còn sử dụng Trello cho việc viết blog vì mình thích đổi mới qua những công cụ khác mới hơn, nhưng Trello vẫn là một trong những công cụ quản lý công việc bạn nên sử dụng và hoàn toàn không mất phí nào. Bạn có thể sử dụng Trello để tổng hợp lại các nguồn tư liệu viết bài, ghi lại ý tưởng viết bài vào một nơi duy nhất, giống thế này.
- Markdown – Đây không phải là một công cụ mà là một tính năng có hỗ trợ trên một số ứng dụng ghi chú, hoặc soạn thảo. Mình kể ra ở đây là vì khi mình viết bài thì sử dụng Markdown là một lựa chọn tuyệt vời để vừa viết vừa format văn bản ngay mà không cần sử dụng đến chuột quá nhiều. Nếu bạn muốn thử viết theo cú pháp Markdown thì có thể thử online tại Stack Edit. Đôi khi cần soạn nhanh gì đó mình cũng lên trang này để soạn và export ra dạng PDF hoặc HTML nhanh.
- Snagit – Công cụ chụp ảnh màn hình mạnh mẽ nhất cho đến thời điểm hiện tại. Vì mình viết nhiều bài về kỹ thuật, đặc biệt là về web nên cần chụp ảnh màn hình hầu như mỗi ngày nên có đầu tư phần mềm này để dùng. Dĩ nhiên bạn có thể sử dụng một số phần mềm chụp ảnh màn hình khác miễn phí như Skitch, LightShot, ShareX, CleanShot X (macOS) đều được.
- Todoist – Ứng dụng quản lý công việc mà mỗi buổi tối mình đều lên kế hoạch cho ngày mai, và sáng hôm sau vừa uống cafe vừa xem danh sách việc quan trọng mình cần làm trong hôm nay. Nó cũng hỗ trợ nhắc lịch lặp lại, và dĩ nhiên là miễn phí.
- Dropbox – Là một dân công nghệ nên chắc chắn không có dữ liệu nào được lưu trên máy của mình, mọi thứ đều lưu trên Dropbox để có thể dễ dàng truy cập với các thiết bị khác. Có một lý do mình dùng Dropbox chứ không phải là Google Drive bởi vì gói Professional của nó hỗ trợ tính năng Online-only. Tức là mình cài Dropbox vô máy của mình mà lại không đồng bộ hết dữ liệu trên Dropbox về máy, vì máy của mình có 512GB ổ cứng thôi. Trong khi dữ liệu cá nhân của mình là gần 2TB rồi.
- Ulysses (macOS) – Như mình có nói là mình trước khi viết bài đều viết nháp, và mình sử dụng phần mềm này để viết nháp hoặc brainstorming vì có hỗ trợ Markdown, cũng như có thể đồng bộ trên nhiều thiết bị khác nhau.
- Camtasia – Nếu bạn cần quay màn hình thường xuyên để làm video thì sẽ khó có thể tìm được phần mềm quay màn hình nào thay thế được Camtasia. Mình đã thử nhiều phần mềm khác nhau từ ScreenFlow, Bandicam đều là top các phần mềm quay màn hình nhưng không có mượt và hỗ trợ nhiều tính năng để chỉnh sửa video như Camtasia. Mặc dù Camtasia trên macOS có một số hạn chế nhưng mình vẫn thích dùng nó.
- Evernote và Bear – Mình sử dụng Evernote từ năm 2010 đến khoảng đầu năm 2020 thì chuyển qua Bear. Nhưng suy cho cùng, Evernote vẫn là công cụ lưu ghi chú rất tốt để mình lưu lại những kiến thức hoặc ghi chú quan trọng và có thể tìm lại trên bất kỳ thiết bị nào.
Sau đó thì mình chuyển qua Bear cũng có tính năng tương tự nhưng có hỗ trợ Markdown và khóa note nên chuyển qua. Khoảng từ ngày 13/05/2020 thì tại Việt Nam không thể đăng nhập vào Evernote được nữa, mình cũng không biết tại sao nhưng nếu bạn chưa có phần mềm nào để lưu ghi chú thì có thể sử dụng các phần mềm ghi chú khác như Google Keep, Apple Notes, Notion tùy theo điều kiện của mình.
- Dùng Macbook & iPhone – Nghe thì có vẻ buồn cười, cái này không phải công cụ gì nhưng mình cũng xin liệt kê luôn. Bạn hãy để ý là những người làm việc năng suất cao thì hầu như sử dụng Macbook hoặc máy tính có dùng hệ điều hành macOS. Pin trâu, hệ sinh thái ổn định, dễ vác ra ngoài, nhiều công cụ hỗ trợ làm việc nhanh hơn, ổn định, bền là những tiêu chí mình sử dụng Macbook 8 năm nay.
Sở dĩ mình liệt kê ra ở đây là bạn hãy tưởng tượng xem bạn có một tá bài viết đang viết dở lưu trong máy thì máy dở chứng hoặc lỗi hệ điều hành, loay hoay cài lại và cài thêm driver có khi mất cả buổi thì với các thiết bị của Apple nó có vẻ đơn giản hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, việc đồng bộ hóa tốt giữa các thiết bị chung hệ sinh thái cũng giúp chúng ta làm việc đa năng hơn khi không cần thiết phải dùng laptop mà có thể làm trên điện thoại hoặc iPad. Trong 8 năm mình đã “bào” qua 3 đời chiếc laptop Macbook Pro và tất cả chúng mình đều bán lại với tình trạng nguyên vẹn, không lỗi lầm gì, chỉ là mình muốn lên đời cao hơn thôi.
Một số thói quen tốt cho một blogger
Bản thân mình thì cũng không có nhiều thói quen tốt gì đâu nên mới xảy ra tình trạng mập như con heo. Tuy nhiên bên cạnh đó thì mình cũng có vài thói quen, và mình nhận ra nó giúp ích mình rất nhiều trong việc viết blog nên mình xin phép chia sẻ tại đây luôn.
Thói quen đọc
Việc đọc nhiều có rất nhiều lợi ích, mà đặc biệt là đọc sách giúp chúng ta có nhiều lợi ích như tăng khả năng vốn từ, học cách diễn đạt phong phú và quan trọng nhất là tăng vốn hiểu biết lên nhiều hơn. Bản thân khi viết blog cũng là một cách học là vậy, bạn muốn viết mà người khác tin vào điều mình nói thì bạn cần phải có sẵn lượng kiến thức cần thiết.
Khi mình còn viết blog thường xuyên thì việc đọc Feedly là hai hoạt động diễn ra hằng ngày vì vừa là để cập nhật kiến thức về các lĩnh vực của mình và tìm ý tưởng viết bài. Còn sách thì mình đọc để tăng kiến thức tổng quát nên nhà mình có hẳn một kệ sách to, chủ yếu là truyện ngắn, sách về kinh doanh và lịch sử.
“A reader lives a thousand lives before he dies. The man who never reads lives only one” – George. R. R. Martin, trích từ tập A Dance with Dragons.
Biết lắng nghe
Là một người viết blog nghĩa là bạn sẽ tiếp xúc với rất nhiều người nếu bạn đã có sự nổi tiếng, và đặc biệt việc có nhiều độc giả đồng tính với ý kiến của bạn có thể sinh ra một thói quen xấu đó là luôn cho mình đúng hoặc khó chấp nhận ý kiến trái chiều của người khác, bản thân mình cũng đã từng như vậy. Vì vậy dù bạn có là blogger hay không thì nên cố gắng tập thói quen biết lắng nghe người khác nhiều hơn, từ đó học hỏi những cái hay mà người khác góp ý sẽ giúp bạn trở nên hoàn thiện hơn.
Tập trung
Viết blog là một công việc tự do, không ràng buộc và chính nó là rào cản khó khăn lớn nhất để mình làm việc thật tập trung. Mình đã từng trải qua một thời gian loay hoay cả ngày không viết nổi một bài hoặc mọi thứ đều không hoàn thành đúng như tiến độ vì không làm việc tập trung. Thực tế là khi mình tập thói quen giữ tập trung cao độ khi làm bất kỳ việc gì thì nó sẽ hoàn thành nhanh hơn. Và bây giờ khi mình viết bài này, hoặc làm việc gì khác thì màn hình máy tính không có gì ngoài soạn bài viết này và một cửa sổ mở giao diện Google.
- Đừng bỏ qua: Blogger làm việc tại nhà thời: 5 mẹo để làm việc hiệu quả hơn, cân bằng công việc & cuộc sống gia đình
Làm việc có kế hoạch và deadline
Các bạn có thể thấy là khi viết bài mình đều dành phần lớn thời gian cho sự chuẩn bị, nghiên cứu và lên kế hoạch dàn ý của bài viết đó. Và không chỉ viết blog mình mới làm kế hoạch, mà tất cả những việc mà mình cần dành nhiều thời gian lên đến vài ngày thì mình sẽ làm kế hoạch rõ ràng từng bước, chia nhỏ khối lượng công việc và gán deadline cho nó. Và rồi cứ thế mà cắm đầu làm cho xong thôi.
Thói quen lên kế hoạch làm việc sẽ giúp mình rút ngắn thời gian thực hiện công việc đó xuống tối đa và chủ động xây dựng quỹ thời gian thừa. Hồi xưa mình thường xuyên thức đêm để viết blog cho hoàn tất, nhưng bây giờ thì thay vì vậy mình đặt lượng thời gian cho từng công việc và tập trung tối đa. Tối thì đi ngủ và dậy sớm để bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng hơn.
Dậy sớm
Mỗi ngày đều chỉ có 24 giờ nên dậy sớm so với bình thường sẽ giúp bạn có thêm thời gian hơn. Khi mà số lượng công việc nhiều lên, thì dậy sớm 2 tiếng hơn bình thường sẽ giúp mình có thêm 2 tiếng rảnh rỗi và làm điều mình thích. Mình có thể đi tắm một cái vào buổi sáng để tỉnh táo và tốt cho sức khỏe hơn, sau đó pha một ly cafe để vừa nhấm nháp vừa nghe bản nhạc yêu thích. Tất cả các công việc đó chỉ mất 30 phút thôi, sau đó mình sẽ có thêm 30 phút đọc email, đọc báo linh tinh hoặc viết nốt bài viết mình đang dang dở hôm qua, trước khi bắt đầu một ngày nhiều công việc khác ập đến.
Đặt mình vào vị trí độc giả
Có rất nhiều blogger nổi tiếng viết những gì họ thích, viết những gì họ muốn, thậm chí là viết với giọng bề trên. Thế nhưng chỉ có một blogger thấu hiểu độc giả của mình mới có thể tồn tại bền vững, mà muốn thấu hiểu độc giả của mình thì cách tốt nhất là nên đặt mình vào vị trí của độc giả.
Khi viết hoặc phát triển blog, nên tự hỏi mình các câu hỏi như:
- Tại sao họ lại đọc blog của mình thường xuyên?
- Đối tượng độc giả của mình là ai?
- Mình viết như vậy thì chắc chắn họ có hiểu không?
- Độc giả có cảm thấy thoải mái khi đọc bài viết này không?
Chỉ khi chúng ta đặt mình vào vị trí độc giả thì bài viết của chúng ta mới được gọi là “viết cho độc giả“.
Không ngừng học hỏi
Và cuối cùng đó là như mình đã nói từ đầu bài, chỉ có việc không ngừng trau dồi kiến thức mới giúp bạn có thêm ý tưởng viết bài vì mọi thứ trên thế giới này đều đổi mới sau một thời gian nhất định.
Học ở đây không chỉ là học về những gì mình viết, mà còn học thêm nhiều lĩnh vực khác vì ít nhiều sẽ giúp bạn có chiều sâu về kiến thức hơn, và biết đâu được bạn không chỉ có một blog duy nhất mà còn có thêm những blog khác với nhiều chủ đề khác, từ đó nâng cao thu nhập của mình thì sao? Đừng lo lắng vì có rất nhiều người sở hữu nhiều blog cùng lúc mà họ còn làm được, thì bạn cũng sẽ phải làm được.
Lời kết
Bài viết đến đây có thể là hơi dài rồi nhưng ở trên là toàn bộ những gì mình đúc kết được sau 10 năm phát triển blog thachpham.com. Mình không chắc các kiến thức trên là đúng đắn, nhưng ít nhiều đối với mình đó là những gì mình đã trải qua.
Hy vọng với các kiến thức trên, bạn sẽ có thể dễ dàng vạch ra hướng đi tốt nhất để phát triển blog của mình để một tương lai không xa, Việt Nam chúng ta sẽ có thêm nhiều blog bổ ích hơn, nhiều người cùng chia sẻ kiến thức nhiều hơn.
Bài viết rất dài nhưng phải đọc đi đọc lại nhiều lần, cảm ơn đã chia sẻ ạ
Cám ơn bạn nhiều vì đã thích bài viết này nhé
Cũng bắt đầu viết Blog từ ThachPham.Com, cách truyền đạt của a rất hay và thu hút người xem <3
Hay, cảm ơn những chia sẻ thú vị !!!
Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của anh! em tạo ra được website từ khi theo dõi blog của anh. Nếu anh có thời gian xin hãy ghé thăm blog của em noitincay.com và cho em một chút ý kiến góp ý nhé!
Đúng là thần tượng gặp thần tượng. Mình học làm website từ Thạch Phạm và học về Marketing từ anh Ngọc. Bài này đọc không sót chữ nào luôn. Cảm ơn Thạch và anh Ngọc 😀
Cám ơn bạn rất vui khi đọc bình luận này
Bài viết chia sẻ rất chi tiết và rất giá trị cho người viết Blog, cám ơn Thạch Phạm rất nhiều.
Cám ơn Blog Ngocdenroi.com có nhiều bài chia sẻ quá tuyệt vời trên Blog !
Ok Hoàng Minh. Rất vui khi bạn thích bài viết này. Cám ơn bạn vì đã luôn theo dõi và ủng hộ Ngọc Đến Rồi!
Em cảm ơn bài chia sẻ ạ. Mỗi lần cảm thấy thiếu động lực em lại đọc lại bài này của anh Thạch Phạm cũng như các bài khác của anh Ngọc. Em thật sự cảm ơn và chúc hai anh nhiều sức khỏe để có thể tiếp tục ra thêm nhiều bài viết bổ ích để em và các bạn có thể học tập và trau dồi kiến thức.
Lâu rồi mới đọc được bài của ThachPham!
Có lẽ nhờ có Thạch Phạm thì cộng đồng WordPress Việt Nam mới phát triển được mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Trước có diễn đàn hoidap.thachpham mình cũng học được rất nhiều điều trên đó.
Cám ơn ông chủ Thạch nhiều 🙂
Theo sát thachpham từ những năm 2014, rất hâm mộ cách viết chiều sâu của bạn trong mọi vấn đề. Mặc dù bây giờ bạn ít ra bài nhưng thi thoảng mình vẫn ghé thăm blog thachpham. Hy vọng rằng bạn sẽ tiếp tục duy trì bài đều đặn cho blog trong thời gian tới.
Anh Thạch cũng chính là nguồn động lực lớn giúp em bắt đầu viết blog. Ngày trước mới tập tành dùng WordPress.com, sau đó mới tìm hiểu và biết được trang thachpham.com của anh, từ đó nó truyền cảm hứng cho em bắt đầu chuyển sang WordPress.org. Lúc đó đơn giản là em rất thích được như anh, viết blog hướng dẫn cho người khác, nhưng dần dần em mới thấy việc viết blog nó rất thú vị, rồi trở thành sở thích của em lúc nào không hay 😀
Cảm ơn anh đã là người truyền cảm hứng và động lực cho lớp trẻ chúng em!
Anh cũng rất vui vì thuthuatios.com của em vẫn phát triển tới hôm nay. Chỉ cần viết điều ta thích thì ắt nó sẽ trở thành đam mê thôi mà 😀
Bài viết này là một tập hợp kiến thức rất hay và bổ ích
Bài viết rất hay và chi tiết
Em đã đọc hết bài viết của a, cảm ơn a đã chia sẻ những kiến thức mà không phải ai cũng chia sẻ cho người khác biết, em cũng mới tạo 1 blog cá nhân và bài viết của a đã giúp e học hỏi thêm rất nhiều. Chúc a và a ngọc luôn có 1 suawcs khỏe tốt để ra nhiều bài viết bổ ích cho mọi người. Một lần nữa e cảm ơn a.
Chúc bạn sớm thành công với dự án của mình nhé.
Khi CEO Azdigi chia sẻ thì “chất như nước cất”, bài viết có nhiều điều rất thực tế và đầy đủ. Cảm ơn chia sẻ này của Thạch và trang blog rất hay của anh Ngọc.
Bài viết có nhiều điều rất hữu ích và mình thích nhất phần mặt tối mà Thạch đã đề cập. Đúng là không hề đơn giản để có thể kiếm tiền từ trang blog của mình. Cảm ơn Ngọc và Thạch.
Bài viết này chắc phải cả tuần mới xong mất.
Cảm ơn tác giả nhé, tuy nhiên mình góp ý chút là ảnh avatar của bài viết nên design cho chuẩn và xịn sò hơn mới phù hợp với nội dung bài :3
cảm ơn bài chia sẻ của anh Thạch nhiều lắm ạ! Tạo động lực rất lớn cho em^^
Rất trân trọng các nội dung chia sẻ của Thạch Phạm và anh Ngọc, mình cũng được xây dựng viên gạch đầu tiên cho blog của cá nhân. Mong các anh tiếp tục chia sẻ những bài viết giá trị cao như thế này.
Cám ơn bạn chúc công việc viết blog của bạn ngày càng thành công hơn nhé!
Blog của anh Ngọc thi thoảng một tuần mới vào để xem bài viết mới như thế nào để đọc cuối tuần. Còn blog Thạch Phạm là hồi xưa vào như cái máy, cách đây vài năm cũng vào để xem lại mấy bài viết về plugin để viết lại theo văn phong của mình. Tính ra cũng hơn 10 năm gắn bó với Blogspot và site thì vẫn ổn tới giờ, view vẫn vài ngàn người mỗi ngày. Còn WordPress thì cũng làm vài site thời gian sau đó.
Tính ra, mỗi thứ 1 ít vậy mà mỗi tháng cũng có ít tiền tiêu xài đều đặn. Làm blog chuyên nghiệp nó khổ như bao nhiêu người làm Youtube chân chính. Tiền khó kiếm, nhưng tiêu xài thì dã man lắm … Sau này mới biết quý đồng tiền khi xưa mà mình kiếm được như thế này. Giờ muốn quay lại cái thời $6000 cho 1 tháng với 1 Blog mà khó quá, không hy vọng là giờ như xưa nữa !!! Cám ơn Thạch Phạm vì bài viết này, nhắc lại nhiều kỷ niệm 1 thời đã quên.
Cám ơn bạn Tâm đã chia sẻ, đúng là duy trì được công việc viết blog toàn thời gian và sống thực sự với nó không hề dễ dàng chút nào.
Em thì nghĩ là hồi xưa còn trẻ làm ra tiền nhưng không biết giữ, chứ giờ em mà viết blog được vậy á hả chắc là em giàu rồi kaka. ?
Những kiến thức chia sẽ như thế này là kinh điển rồi. Nên mình nghĩ rằng cũng sẽ tập áp dụng từng chút một để nâng tầm của blog mình lên
Cảm ơn anh đã chia sẻ giá trị cho cộng đồng. Chúc anh nhiều sức khỏe!
Bài viết rất hay. Tham khảo dịch vụ vệ sinh Anh Thư. http://vesinhanhthu.com/
Bài viết rất chi tiết và đáng để đọc và nghiên cứu khi phát triển blog. Mình hiện tại cũng đang sử dụng dịch vụ bên thạch phạm cũng cấp – rất hài lòng với dịch vụ bên đó
Tuyệt vời! Chúc mừng Thạch Phạm vì bài chia sẻ tổng quan hữu ích. Mình đã học được rất nhiều về WordPress từ Thachpham.com, chúc Thạch sức khoẻ, thành công và Hạnh phúc nhé!
Cam ơn anh, một bài viết cực kỳ chất lượng từ anh Thạch Phạm. Em biết đến thachpham.com để học các kiến thức về wordpress trước khi biết tới blog của anh Ngọc.
Và tới tận bây giờ, đây vẫn là 2 blogger mà em thường xuyên theo dõi để đón đọc những bài viết mới cũng như tìm kiếm thông tin để học lại các kiến thức mình còn hổng.
Cảm ơn về những bài chia sẻ của 2 anh!
Cám ơn Lan Anh đã luôn theo dõi và ủng hộ hai anh em mình nhé. Ở VN ai mới làm blog bằng wordpress thì thời gian đầu sẽ luôn cần vào ThachPham để học đơn giản các bài viết quá chi tiết và được hệ thống theo series.
Bóc tem bài viết chất lượng từ bác Thạch! Bài viết đã tổng kết được 10 năm viết blog của Thạch nên từng câu, từng chữ rất cô đọng theo hành trình cá nhân và đều có sức thu hút, đầy tính mới mẻ cho bất cứ ai theo con đường blogger. Nếu bạn đang đi tìm 1 định hướng phát triển blog thì đây là bài viết mình đánh giá là rất phù hợp.
bóc tem, haha
CEO AZDIGI viết thì không còn gì để nói! Các bác trao đổi sub rất hợp lý và đem lại giá trị cho độc giả, cảm ơn tác giả!
Cám ơn bạn @ Thiết Tiến. Thạch Phạm là người mà chính Ngọc đã học được rất nhiều không chỉ về kiến thức WordPress từ những ngày đầu tiên viết blog mà Thạc Phạm còn dạy cho Ngọc cách tập trung vào giá trị nội dung cho người đọc, theo dõi blog.
Cảm ơn anh đã có những chia sẻ. Có lẽ em cũng đang trên con đường MMO với Blog nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Em tin mình cũng sẽ thành công như anh. “No Pain, No Gain”
Một tòa lâu đài thì người thợ xây cũng phải bắt đầu từ viên gạch đầu tiên mà, đừng nản chí mà hãy cứ vững tâm vào mình nhé. Quan trọng là mình thật sự yêu thích nó, thì mọi thứ khó khăn chỉ là tiểu tiết.
Lão Tử đã từng nói: “thiên lí chi hành, thủy vu túc hạ”.