Inbound Marketing: Có phải Blogger là người làm tốt nhất?

inbound marketing duoi goc nhin cua ngocdenroi

Nếu bạn thường xuyên theo dõi xu hướng marketing thì Ngọc chắc chắn trong thời gian gần đây bạn đã từng thấy, từng nghe đến thuật ngữ Inbound Marketing?

Và có lẽ bạn cũng đang tự hỏi Inbound Marketing là gì? Là một blogger, là một người kiếm tiền online, là một người làm online marketing thì có cần quan tâm đến inbound marketing?

Inbound Marketing áp dụng vào công việc viết blog như thế nào? Công việc kinh doanh ra sao?…

Tất cả sẽ được trả lời ở bài chia sẻ này!

Cách theo dõi bài viết này: Thật ra đây không phải là một bài hoàn toàn 100% được Ngọc chắp bút, nội dung bài viết bên dưới đây được Ngọc vô tình đọc được trên một tờ báo về marketing.

NHƯNG thật sự sau khi đọc xong bài viết này thì Ngọc thấy rằng: nó là bài viết dành cho Blogger, bài viết dành cho những ai đang quan tâm, đang làm online marketing, đang mong muốn chuyển đổi người truy cập thành khách hàng tiềm năng, rồi chuyển khách hàng tiềm năng thành khách hàng thật sự.

Đặc biệt nó là dành cho bạn nếu bạn muốn bắt kịp xu hướng marketing hiện đại, bền vững ngay ngày hôm nay. Xu hướng Inbound Marketing!

inbound marketing duoi goc nhin cua ngocdenroi
Hãy dành thời gian để đọc thêm về cuốn sách Inbound Marketing TẠI ĐÂY nhé!

Bên dưới đây là bài viết đầy đủ đó, tuy nhiên ở mỗi đoạn Ngọc sẽ “chèn” thêm những nhận định của cá nhân mình và phân tích sâu thêm ở góc độ một blogger để cho bạn thấy chỉ cần một blog bạn sẽ có thể làm rất tốt & dễ dàng tham gia vào hoạt động Inbound Marketing như thế nào nhé!

Inbound Marketing như được thấy

“Inbound Marketing” là khái niệm lần đầu được sử dụng bởi Brian Halligan và Dharmesh Shah vào năm 2005 (Halligan & Shah, 2009), sau đó được biết đến rộng rãi với các hình thức thể hiện nội dung trên những phương tiện truyền thông tự thân của doanh nghiệp.

Đó có thể là:

  • xuất bản bài viết trên Blog,
  • công bố nội dung âm thanh hoặc hình ảnh dài tập (Podcast),
  • đăng tải các đoạn Video, sách điện tử (e-Book), bản tin doanh nghiệp (e-Newsletter), cáo bạch (White Paper), thư điện tử (Email), những bài viết chuyên gia (Expert Review),
  • chuyên trang (Landing Page) hay xa hơn là các nhóm hoạt động phức tạp nhằm tăng tiếp cận người dùng trên công cụ tìm kiếm (SEO) và mạng xã hội (Social Media) (Caragher, 2013).

Có thể nói, các hoạt động thuộc Inbound Marketing nhằm thu về sự quan tâm của người dùng (Leary, 2012), làm cho công ty dễ dàng được tìm thấy (Basu, 2011), và dẫn khách hàng tới Website (Banner, 2012), bằng việc sản xuất những nội dung gây hứng thú (Presscott, 2012).

inbound marketing là gì

Trong bức tranh tổng thể các hoạt động truyền thông và quảng cáo, Inbound Marketing là hướng tiếp cận trái ngược với nhận thức truyền thống về nghề Marketing, vốn thường bị khiến ấn tượng bởi những chiến dịch tiêu tiền rầm rộ nhằm mua về sự quan tâm của công chúng (Leary, 2012).

Các phương cách tiếp cận trả tiền phổ biến được biết đến theo lối truyền thống ấy, gồm có: cuộc gọi tự động (Cold-Calling), thư giấy trực tiếp (Direct Mail), thư rác điện tử (Email Spam), đài phát thanh (Radio), quảng cáo truyền hình (TV), tờ rơi, chào hàng qua điện thoại (Telemarketing), và nhiều hình thức quảng cáo truyền thống khác. Tất cả được dán nhãn đối nghịch, có tên “Outbound Marketing”.

Inbound Marketing dưới góc nhìn của Ngọc Đến Rồi

Như vậy có thể thấy hiện có hai trường phái marketing đó là Inbound Marketing & Outbound Marketing.

  • Và để đơn giản nhất, hình tượng nhất thì bạn cứ hiểu rằng người làm Outbound Marketing sẽ dùng một “chiếc búa để liên tục đập vào đầu khách hàng” thì người làm Inbound Marketing sẽ dùng một “thỏi nam châm để hút khách hàng” về phía họ.
  • Như vậy rõ ràng Inbound Marketing là xu hướng của ngành truyền thông, quảng cáo hiện đại, là cách làm marketing được mọi người yêu thích, khuyến khích.

Oh! Như vậy nếu bạn sở hữu một blog thì cá nhân Ngọc tin chắc rằng bạn đang có trong tay một thỏi nam châm với sức hút cực lớn rồi đấy. Vì đơn giản bản chất của một blog và công việc của một blogger chính là trao đi giá trị thông qua nội dung mà họ sản xuất hàng ngày.

Phải không nào? Bạn là blogger? Chúc mừng bạn, vì bạn chính là người làm Inbound Marketing!

Trên thực tế khái niệm về Inbound Marketing cũng được chính một blogger “khai sinh” đấy. Vào năm 2004, khi xu hướng blogger nở rộ và manh nha xuất hiện các mạng xã hội lớn, một blogger kiêm sinh viên cao học MIT tên là Dharmesh Shah nhận ra rằng người dùng dần miễn dịch với các quảng cáo và việc thực hiện Outbound Marketing theo hướng truyền thống cần tiêu tốn chi phí quá lớn so với hiệu quả mà nó mang lại.

Vậy là Dharmesh Shah đã cùng Brian Halligan, một chuyên gia và giảng viên cao cấp về Marketing tại đại học MIT cùng nhau hệ thống và đưa ra triết lý Inbound Marketing. Từ đó Inbound Marketing được coi là xu hướng marketing hiện đại cho đến tận lúc bạn đọc bài viết này!

Nhưng… chỉ một blog thôi là chưa đủ! Vì thế bạn cần tiếp tục đọc bài viết ở bên dưới nhé!

Inbound Marketing không phải là một hoạt động mà là một phương pháp có hệ thống

Có thể nói, sự nổi lên của Inbound Marketing là một hệ quả tất yếu trong bối cảnh ngành quảng cáo trực tuyến phục hồi sau bong bóng Dot-com (1996-2000), với động lực là sự bùng nổ của mô hình kinh doanh “Web 2.0” (The Wall Street Journal, 2006).

Các tổ chức và cá nhân lúc này đã có thể nhanh chóng hơn lúc nào hết, để dễ dàng xây dựng và sở hữu trọn bộ những phương tiện truyền thông cho chính mình, điều vốn đắt đỏ và phụ thuộc và mạng lưới các nhà cung cấp và đại lý trước đây.

Đó là một trung tâm tin tức riêng (Website), quảng trường để buôn chuyện (Forum), một góc của bảng tin cộng đồng (Tumblr), tờ báo (Blog), đài truyền hình (Youtube), tổng đài kết nối cá nhân (Facebook),…

Mặc dù, phần lớn các hoạt động thuộc Inbound Marketing ngày nay diễn ra trên các phương tiện truyền thông trực tuyến nhưng sự thực thì Inbound Marketing đã vượt xa khía cạnh của một nhóm các phương tiện triển khai (Deater, 2018).

Inbound Marketing xuất hiện trên sự thừa nhận rằng “con người đã không còn muốn bị gián đoạn bởi những người làm Marketing hay bị quấy rầy bởi những người bán hàng. Họ muốn được giúp (giải quyết vấn đề)!” (Halligan & Shah, 2009).

Phương pháp Marketing này là một chiến lược Marketing tổng thể với sự điều hướng của dữ liệu và đo lường, nhằm thu hút sự chú ý của các cá nhân vào thương hiệu, để rồi chuyển đổi họ thành những vị khách trọn đời (Hubspot, 2014).

Nhanh chóng sau khi ra đời, Inbound Marketing đã nhận được sự đồng thuận và ứng dụng thực tế với nhiều cách thức khác nhau dựa trên hướng tiếp cận nguyên thủy.

Leary (2012) đưa ra định nghĩa triển khai gồm ba bước: Được tìm thấy (Get found), Chuyển đổi (Convert) và Phân tích (Analyze).

Trong khi đó, Pollitt (2011) thì đề xuất mô hình năm bước:

  • Thu hút truy cập (Attracting Traffic)
  • Chuyển đổi người ghé thăm thành cơ hội (Convert visitors to leads)
  • Chuyển đổi cơ hội thành đơn hàng (Convert leads to sales)
  • Biến khách hàng thành người mang lại lợi nhuận cao hơn (Turn customers into repeat higher margin customers)
  • Phân tích để cải tiến liên tục (Analyze for continuous improvement)

Còn với Hubspot (2019), trong định nghĩa mới nhất của mình, hãng tư vấn Marketing danh tiếng đã chỉ ra rằng Inbound Marketing là phương thức bao gồm việc Thu hút (Attracting), Tương tác (Engaging) và Hài lòng (Delighting) con người, để phát triển kinh doanh, thông qua cung cấp giá trị và xây dựng lòng tin.

Bằng sự chuyển đổi công nghệ, Inbound Marketing dẫn lối một hướng kinh doanh theo cách nhân văn và hữu ích.

các bước làm inbound marketing
Sơ đồ triển khai Inbound Marketing của Hubspot chia rõ từng bước và các hoạt động Marketing cụ thể. Nguồn ảnh: Hubspot.com
Từ Ngọc Đến Rồi: Blogger là người làm Inbound Marketing tốt nhất

Khi đọc đoạn trên Ngọc tin chắc nếu bạn là một blogger thì bạn đã nhận ra chính mình, bạn đã vỡ oà vì chính bạn đang hàng ngày hàng giờ làm inbound marketing.

Có phải…?

  • Bạn đang viết blog để giải quyết một vấn đề gì đó cho nhóm đọc giả của bạn? Giúp họ cách kiểm soát cân nặng, giúp họ có thể biết các kiếm tiền online ngay tại nhà? Giúp họ biết cách…
  • Tất cả những việc này đơn giản để cung cấp giá trị, giúp đọc giả của bạn cảm thấy hài lòng, thoả mãn, từ đó xây dựng lòng tin ở họ
  • Sau đó là gì? Bạn kêu gọi họ đăng ký vào danh sách email (Convert visitors to leads), sau đó bạn gửi cho họ những thông tin giá trị hơn nữa, tăng mối quan hệ thân thiết hơn nữa
  • Sau đó… Có phải để họ dễ dàng tìm thấy bạn nhiều hơn, quay lại blog nhiều hơn, mua một cái gì đó bạn giới thiệu (affiliate marketing), hoặc thậm chí mua một dịch vụ/sản phẩm nào đó từ bạn
  • Cuối cùng bạn vẫn không ngừng lại, bạn có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ, tiếp tục bán và bạn vẫn tiếp tục theo dõi những phản hồi, những tương tác từ chính người đọc của bạn để nhằm cải thiện blog, cải thiện chất lượng nội dung, sản phẩm…

Tất cả những việc này đầy đủ cho một quy trình làm inbound marketing & chính bạn một blogger đang thực hiện tất cả các nguyên tắc đó hàng ngày hàng giờ.

Bạn làm marketing mà gần nhưng không làm phiền người đọc của bạn, bạn biến người vô tình ghé thăm blog của bạn trở thành đọc giả thường xuyên qua những giá trị bạn trao cho họ.

Bạn kiến họ mua hàng từ bạn mà không cần nói với rằng “hãy mua hàng của tôi đi”, bạn không cần đổ tiền cho quảng cáo, cũng không cần nhồi nhét thương hiệu vào tâm trí của họ.

Đơn giản vì bạn là một blogger, một người làm inbound marketing!

Inbound Marketing, Content Marketing, Digital Marketing và Hành trình khách hàng (Customer Journey)

1. Inbound Marketing và Content Marketing

Ý tưởng đằng sau Inbound Marketing là sử dụng các chiến thuật, kỹ thuật Marketing để tìm được sự quan tâm của khách hàng tiềm năng, sau đó kéo (Pulling) những người này vào Website của công ty thay vì nỗ lực đẩy (Push) các tin nhắn quảng cáo rồi chờ sự phản ứng từ họ.

Do vậy, đầu mối trước tiên của các hoạt động thuộc Inbound Marketing chính là từ việc phát triển các nội dung chất lượng cao với người tiếp cận, và làm các nội dung này sẵn sàng để người dùng chạm tới.

Do đó, có thể nói, Inbound Marketing và Content Marketing là gần như tương đồng nếu như không muốn nói là giống nhau, về mặt hình thức.

Content Marketing được gắn liền với “kể chuyện trong Marketing” (Storytelling in Marketing) (Smith & Keyton, 2011) và triển khai từ rất lâu trước cả khi có Internet.

Pulizzi (2012) đã định nghĩa “Content Marketing là quá trình Marketing và kinh doanh, bao gồm tạo ra và phân phối các nội dung liên quan và giá trị nhằm thu hút, chiếm hữu, và tương tác với một đối tượng khách hàng đã được định rõ và thấu hiểu. Phục vụ mục tiêu hướng tới các hành động khách hàng mang lại lợi nhuận”.

Từ đó, Lieberman (2013), Jarvinen & Lipianinen (2015) đều đồng thuận chỉ ra rằng Content Marketing là một thành phần quan trọng trong Inbound Marketing.

Từ Ngọc Đến Rồi: Nhắc đến Content Marketing thì cần phải nhắc đến... Blogger

Như ở đoạn phân tích trên thì bạn có thể thấy Content Marketing có lẽ được coi là xương sống trong hoạt động Inbound Marketing.

Và lại một lần nữa blogger chính là người làm Content Marketing giỏi nhất, nhiều nhất trong tất cả các marketer phải không nào?

Ngoài ra blogger còn là người cực giỏi trong việc “kể chuyện trong Marketing” (Storytelling in Marketing). Họ biết cách viết trang giới thiệu để kể vì sao họ viết blog này, họ biết lồng ghép câu chuyện cá nhân của họ vào các bài viết nhằm tăng tính kết nối cá nhân.

Vì thế nên từ khi blog trở thành xu hướng thì những người dùng trên internet có thêm một lựa chọn ngoài việc đọc các loại tin tức tổng hợp thì họ có cơ hội đọc các bài viết chuyên sâu hơn, nhiều giá trị hơn và có câu chuyện hơn.

2. Inbound Marketing và Digital Marketing

Tuy vậy, Inbound Marketing sẽ chẳng thể tạo ra điều gì khác biệt hơn, nếu chỉ đơn thuần là tương tự Content Marketing về mặt mục đích. Sự bao trùm của Inbound Marketing còn đến từ mong muốn truyền tải nội dung trúng đích (đúng người, đúng thời điểm, đúng bối cảnh) và mục tiêu đo lường chuyển đổi cao độ. Do vậy, Digital Marketing là hướng tiếp cận bắt buộc cho Inbound Marketing.

Digital Marketing là một định nghĩa rộng để chỉ các kênh và nền tảng được sử dụng để truyền tải thông điệp Marketing trên nền tảng số (Lieberman, 2016). Deater (2018) nhận định rằng có nhiều việc cần làm với Digital Marketing nhưng khái niệm này đứng riêng thì tự nó không thích ứng với bất cứ một chiến lược nào.

Có thể nhìn nhận nó như một hộp công cụ, nơi mà chứa tất cả những những thứ bạn có thể sử dụng để tăng nhận diện thương hiệu, lượng truy cập hay lượt xem trực tuyến.

Wolf (2017) làm cụ thể hơn bằng nhận định Inbound Marketing bao gồm một phần lớn phạm vi của Digital Marketing về mặt công cụ và kết nối tất cả các kênh truyền thông số trong một chiến lược chung để tạo nên một nỗ lực tổng thể: sự hài lòng của khách hàng.

Từ quan điểm đó, Wolf (2017) và Lieberman (2016) cùng cho rằng nhiều người làm Marketing đang nhầm lẫn họ làm Inbound Marketing, mặc dù thực tế chỉ sử dụng các công cụ Digital Marketing một cách biệt lập.

Một cách ngắn gọn, Inbound Marketing là một phương pháp Marketing tổng thể, trong khi Digital Marketing chỉ là một định nghĩa rộng của các thành phần được sử dụng để kết nối số với người dùng (Ian, 2015).

Deater (2018) có tổng kết quan điểm của mình bằng công thức:

Digital Marketing (thực hiện chiến thuật với công cụ xác định) = Tạo nhận thức khách hàng + Mục tiêu ngắn hạn

Inbound Marketing (thực hiện chiến lược bằng việc đóng gói các công cụ vào một chỉnh thể) = Cơ hội chuyển đổi cao + Mục tiêu dài hạn

Từ Ngọc Đến Rồi: Blogger luôn coi blog là đích và họ đang đóng gói mọi thứ tại đây

Ngọc rất thích đoạn phân tích trên về sự khác nhau của người làm Digital Marketing và người làm Inbound Marketing.

Đúng là một marketer thông thường thì họ đơn thuần là chỉ dùng các công cụ Digital Marketing để cố gắng tạo nhận thức khách hàng để thực hiện một hoạt động bán hàng ngắn hạn rồi thôi.

Còn người làm Inbound Marketing thực thụ là một người biết xác định đâu là cái đích, và ở đó họ có thể dùng rất nhiều công cụ khác: như email marketing, như mạng xã hội,… nhưng cuối cùng là họ đang kết hợp tất cả lại để xây dựng giá trị cho khách hàng để bán hàng dài hạn, tạo ra mục tiêu, lợi nhuận lâu dài.

Vậy thử hỏi một blogger họ có đang đóng gói các công cụ và một chỉnh thể không? Cái “chỉnh thể” ở đây của họ là blog nhưng họ dùng rất nhiều công cụ để cuối cùng nhằm tạo ra một mục tiêu dài hạn. Mục tiêu đó có thể xây dựng thương hiệu, để tạo niềm tin, để cung cấp sản phẩm, dịch vụ…

3. Inbound Marketing và hành trình khách hàng (Customer Journey)

phat hien nhu cau khach hang
Phát hiện nhu cầu khách hàng theo từng giai đoạn để chuyển tải nội dung phù hợp. Nguồn ảnh: Hubspot.com.

Customer Journey được sử dụng trong Marketing và dịch vụ khách hàng để nhận diện cách một người chuyển đổi, từ một kẻ hoàn toàn xa lạ tới một khách hàng trung thành.

Hành trình này giúp các tổ chức nhìn ra những điểm chạm quan trọng để hỗ trợ hoặc gợi ý việc dẫn dắt tiến trình đi đến mục tiêu cuối (Red Evolution, 2019).

Điều này tương đồng với Inbound Marketing trong việc tiếp cận và theo dõi chuyển đổi từ một độc giả tới một khách hàng thân thiết.

Bởi vậy việc áp dụng Customer Journey vào Inbound Marketing là vô cùng quan trọng để hiểu những điểm nhức nhối của khách hàng hàng, để biết quá trình mua hàng của họ được quyết định trong bước nào, và sẽ thiết kế riêng những thông điệp Marketing phù hợp (OBI, 2019).

Đồng quan điểm, Rouge (2019) chỉ ra rằng tập trung vào khách hàng và hành trình mua hàng để đưa ra những nội dung giá trị cũng chính là việc tối ưu thông điệp trong Inbound Marketing.

phat hien nhu cau khach hang 01
Sơ đồ chuyển đổi khách hàng theo hành trình của Hubspot. Nguồn ảnh: Hubspot.com

SEO – con át chủ bài của Inbound Marketing

SEM là một dạng của Internet Marketing đảm trách việc quảng bá cho Website bằng việc tăng cường sự hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm (Search Engine Result Pages) thông qua hình thức tối ưu (theo) cỗ máy tìm kiếm (Search Engine Optimization) và quảng cáo (trên) cỗ máy tìm kiếm (Search Engine Advertising) (Search Engine Land, 2007).

SEO là một phần quan trọng đầy ý nghĩa của Inbound Marketing bởi “được tìm thấy” là bước đầu tiên trong mục tiêu dài hạn của phương pháp này.

Như trích dẫn ở trên, Caragher (2013) chỉ rõ Inbound Marketing đảm nhiệm việc tạo ra (Creation) và chia sẻ (Share) nội dung. Một khi được tạo ra, nội dung phải được tối ưu với các cỗ máy tìm kiếm và chia sẻ trên các mạng xã hội.

Điều này dẫn đến, SEO là một phần tất yếu trong Inbound Marketing. Phương thức này còn được cổ vũ bởi chính hiệu quả mà nó mang lại.

Cơ hội tiếp cận và chất lượng người dùng tiềm năng qua SEO là cực kỳ cao bởi doanh nghiệp có thể thiết kế không giới hạn nội dung để “đón lõng” người dùng trong bối cảnh họ chủ động tìm kiếm nội dung hữu ích để giúp giải quyết một vấn đề hiện hữu.

Mặc dù SEO đòi hỏi nhiều sự nhẫn nại do hạn chế của số lượng vị trí hiển thị kết quả tìm kiếm nhưng SEO  lại ngày càng rộng mở về mặt nền tảng.

Giờ đây, nói đến SEO không còn chỉ là nói đến cỗ máy tìm kiếm của Google với Website, mà còn cả những cỗ máy tìm kiếm của các môi trường riêng biệt khác như Facebook, Youtube,…

Từ Ngọc Đến Rồi : Lại là SEO... chúng ta những Blogger cũng có thể trở thành SEOer rất giỏi

Về cơ bản SEO là vẫn là làm cho nội dung của bạn trở nên giá trị với người dùng. Các vấn đề về kỹ thuật SEO như tối ưu bài viết chuẩn SEO thì ai cũng có thể học.

Nhưng để tạo nội dung giá trị, chuyên sâu thì một blogger lại làm rất tốt vì hầu hết mỗi một blog sẽ có một chủ đề chuyên sâu như du lịch, như ẩm thực, như thời trang… và phía sau blog đó thường là những chuyên gia những người hàng ngày đi du lịch, nghiên cứu về ẩm thực, chuyên gia thời trang…

Vì thế họ luôn luôn tạo ra nội dung giá trị rất lớn, rất chuyên sâu và từ đó nội dung của họ luôn được người dùng đánh giá cao và Google (hoặc các công cụ tìm kiếm khác) đều thích điều đó.

Thậm chí blogger họ còn có tới 50 mẹo SEO và họ đang áp dụng tất cả các mẹo đó mỗi ngày.

À thế ra một blogger cũng có thể gọi là một SEOer (người làm SEO) và tất nhiên họ là người làm Inbound Marketing rất giỏi.

Kết luận

Inbound Marketing là phương pháp với hệ thống triển khai bao gồm Content Marketing là cốt lõi, xu hướng sử dụng các kênh Digital Marketing để bảo đảm tính đo lường, và kết hợp cùng với Customer Journey để tối ưu nội dung. Tất cả nhằm truyền tải thông tin hữu ích trúng đích, dẫn dắt người dùng về Website, thiết lập các tương tác nhằm tạo ra những khách hàng lâu dài.

Do vậy, câu trả lời cho việc một hoạt động Marketing được đánh giá là Inbound Marketing hay không, cần thỏa mãn vào ba tiêu chí:

  • (1) nội dung hữu ích và có tính cá nhân hóa;
  • (2) có sự đồng bộ và kết nối giữa các phương tiện truyền thông trong đăng tải thông điệp theo hành trình mua hàng;
  • (3) quá trình tương tác qua từng bước của người dùng được đo lường và tối ưu;
  • (4) thông điệp không tiếp cận khách hàng thông qua các hình thức quảng cáo làm phiền.

Việc định nghĩa và xác lập giới hạn của Inbound Marketing là cần thiết bởi bên cạnh một kết quả thực tế, một kỹ năng thực hành có sẵn thì người làm Marketing không thể thiếu một nền tảng về lý luận. Giúp bức tranh Marketing tổng thể được mạch lạc, tạo cơ sở cho việc mở rộng phạm vi hoặc linh hoạt trong triển khai.

Kết luận từ Ngọc Đến Rồi: Blogger hãy cẩn trọng vì ranh giới của Inbound Marketing & Outbound Marketing là rất nhỏ bé

Như vậy với bài viết trên + với những phân tích chi tiết từ Ngọc thì có thể bạn sẽ thấy rằng chúng ta, những blogger là những người đang làm Inbound Marketing hàng ngày & làm rất tốt.

Chúng ta luôn hiểu được rằng cần phải:

  • Phát hiện vấn đề của độc giả để…
  • Cung cấp những nội dung thật sự giá trị để…
  • Được đọc giả của chúng ta… tìm thấy và…
  • Từ người đọc bình thường trở thành người đọc trung thành, rồi…
  • Trở thành khách hàng, mua hàng thường xuyên…
  • Tiếp tục đo lường, theo dõi hành trình khách hàng và tiếp tục cải thiện, tăng cường lặp lại quy trình trên một cách liên tục.

Tất nhiên trong tất cả những công việc ấy đôi khi bạn sẽ rất dễ khó nhận biết, khó phân biệt và thậm chí nhầm lần từ việc làm Inbound Marketing sang Outbound Marketing đấy.

Ví dụ bạn lạm dụng một quảng cáo không giá trị để bằng mọi cách tiếp cận, dội bom vào người đọc. Bạn thu thập danh sách email, bạn viết email cho họ nhưng nội dung email của bạn được gửi đi liên tục, không có thông tin giá trị gì thì đó lại là bạn đang SPAM người đọc của bạn và vô tình hư vậy bạn đang làm Outbound Marketing chứ không hề là Inbound Marketing.

Do đó hãy cẩn thận và luôn tỉnh táo blogger ạ!

Bạn nghĩ sao về xu hướng Inbound Marketing? Bạn thấy blogger có phải là một người rất phù hợp để làm Inbound Marketing?

5 1 vote
Đánh giá bài viết

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Ngọc một ly cà phê nhé!

Bạn thích nội dung này?

Ngọc thường xuyên gửi những thông tin như thế này cho bạn qua email mỗi tuần. Hơn 5000+ người đang nhận thông tin! (Mỗi tuần chỉ 2 email - Không SPAM)

Bạn cũng sẽ thích:

Theo dõi
Thông báo qua email khi
guest

11 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Hữu Thịnh
Khách
8 tháng trước

Cảm ơn vì những kiến thức đã chia sẻ. Trân trọng!!!

Mạnh Thưởng
Khách
3 năm trước

Thanks A chia sẻ kiến thức hay quá. Trước h e cứ tự mầy mò làm kiểu tự phát, nếu có nghiên cứu, tìm hiểu từ trước thì sẽ tiến triển nhanh hơn nhiều!

Tùng
Khách
4 năm trước

giờ mới biết mấy thuật ngữ này, đúng là kiến thức là mênh mông

Tâm
Khách
4 năm trước

Hi anh Ngọc,

Cám ơn anh rất nhiều vì chia sẻ cực kỳ chi tiết ạ. Em là người mới bắt đầu và đang học khóa Inbound marketing trên hubspot. Phải công nhận là nó rất hay, ko chỉ chỉ về markerting và nó còn là mô hình kinh doanh tiềm năng, vì các phòng sales, chăm sóc khách hàng bằng cách này hay cách khác đều có chỗ ứng dụng inbound marketing như inbound sales, inbound service…
Mà anh Ngọc ơi làm sao để hết bệnh lười và nản ạ! Em muốn học inbound marketing và bắt đầu từ SEO quá huhuhu

Triều Dâng
Triều Dâng
Khách
Reply to  Nguyễn Anh Ngọc
3 năm trước

Cám ơn anh

Hưng
Khách
4 năm trước

Kiến thức đúng là bể học. Học mãi không tới đích.

Cao Cường
Cao Cường
Khách
4 năm trước

Đọc hết bài viết này xong nhìn lại kiến thức của mình thật là nhỏ bé…

11
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận!x

Tải miễn phí E-book

Bí mật giúp bạn xây dựng cỗ máy ATM tại nhà.