Ngọc đã viết và chia sẻ rất nhiều cách làm thế nào để bắt đầu một blog mới hoàn toàn.
Thế nhưng sau 4 năm viết blog Ngọc nhận thấy rằng thời gian gần đây có rất nhiều bạn bắt đầu quay lại và hỏi Ngọc rằng: Trước đây em đã có một blog nhưng vì bận, vì công việc nên đã bỏ một thời gian. Bây giờ muốn khởi động lại blog đó thì phải bắt đầu như thế nào?
Ái chà, đây có lẽ là câu hỏi khó! Thậm chí cá nhân Ngọc thấy nó còn khó hơn cả khi bắt đầu với một blog mới tinh.
Thôi thì dù vì dù gì bạn cũng đã quyết định quay lại.
Và vì thế ở bài viết này Ngọc sẽ chia sẻ với bạn 2 kịch bản sẽ xảy ra, và trong đó có 10 lưu ý, đây cũng là 10 checklist mà Ngọc nghĩ rằng bạn nên kiểm tra để khởi động lại một blog cũ tốt hơn.
Mục tiêu là để bạn không phải… khởi động lại thêm một lần nữa!
Nội dung bài viết
ToggleKịch bản số 1: Yếu tố tác động từ bên ngoài
Đây là trường hợp mà nhiều bạn gặp phải, nguyên nhân chính khiến bạn ngừng công việc viết blog là do yếu tố công việc, gia đình, sức khoẻ… Tất cả những điều này tác động nên bạn đành phải tạm ngưng công việc viết blog.
Và bây giờ bạn muốn khởi động lại… NHƯNG hãy coi chừng vì theo kinh nghiệm của Ngọc chắc chắn trong quá trình sắp tới bạn sẽ còn gặp rất nhiều yếu tố khác tiếp tục tác động lên công việc viết blog đấy!
Do đó hãy chắc chắn rằng: Dù là lý do gì đã từng tác động khiến bạn tạm ngừng thì bây giờ hãy hỏi…
#1. Lý do vì sao bạn muốn khởi động lại blog?
Hầu hết bạn sẽ trả lời rằng vì sức khoẻ ổn rồi, công việc rảnh hơn, gia đình ủng hộ rồi nên muốn khởi động lại blog cũ!
Cá nhân Ngọc cảm thấy điều đó là cần thiết nhưng thực sự chưa đủ!
Hãy tự hỏi: Có phải bạn vẫn còn đam mê với công việc viết blog hay không?
Nếu có, thì đó là lý do đáng nhất để bạn quay trở lại với blog, vì nếu thật sự bạn không đam mê và không cảm thấy thích thú với công việc viết blog thì sau này mỗi khi sức khoẻ của bạn… hơi gặp vấn đề, gia đình hơi có chút khủng hoảng hay công việc hơi lu bu một chút là bạn lại… kiếm cớ tạm hoãn công việc viết blog.
Và cứ thế sau đó bạn lại phải khởi động lại blog rồi lại tái khởi nghiệp với blog… nó như một vong luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại mãi mãi vậy!
#2. Thời gian bạn ngừng viết blog bao lâu rồi?
Nếu là vài tháng đến 1 năm thì việc bạn tái khởi động lại blog không phải là vấn đề. Nhưng nếu là 2,3 hoặc 5 năm thì có lẽ đã có nhiều thứ thay đổi nên sẽ khó khăn hơn rất nhiều đấy.
Trong khoảng thời gian quá lâu thì phần lớn blog của bạn sẽ không còn hiện diện trên interent, do bạn đã không gia hạn tên miền. Không cập nhật nội dung và vì thế không có ai truy cập, đọc, theo dõi blog của bạn nữa.
Hơn nữa trong khoảng thời gian quá lâu công nghệ, xu hướng marketing đã có quá nhiều thay đổi và bạn có thể sẽ không cập nhật mọi thứ trong thời gian qua
Lúc này bạn sẽ phải bắt đầu lại gần như từ con số 0. Nhưng có thể đó lại là một điều tốt vì đôi khi là một “tờ giấy trắng” sẽ dễ dàng hơn là bắt đầu sữa chữa những “nét vẽ nghệch ngoặc lộn sộn” đấy.
Theo kinh nghiệm của Ngọc, nếu dưới 1 năm bạn hoàn toàn có thể tiếp tục, còn nếu hơn hãy xem xét lại bằng cách di chuyển đến kịch bản số 2 dưới đây và tiếp tục xem xét các câu hỏi.
Kịch bản số 2: Yếu tố tác động từ chính bạn
Với trường hợp này có lẽ bạn đã ngừng viết blog vì thời điểm đó đã không còn cảm thấy hứng thú, mất động lực viết blog. Và bây giờ bạn nhận ra bỗng nhiên… có hứng thú một lần nữa, bạn nhận ra blog vẫn là điều vô cùng quan trọng, bạn muốn quay trở lại.
Dù thế nào đi nữa thì với kịch bản này bạn cũng cần phải thay đổi rất nhiều thứ, đó là…
#3. Chủ đề blog của bạn có còn phù hợp không?
Một trong những nguyên nhân chính khiến bạn mất động lực viết blog đó là: Chọn sai chủ đề blog!
Ví dụ trước đây bạn nghĩ rằng chủ đề blog về du lịch là tiềm năng nhưng sau đó bạn không có nhiều kiến thức nên không thể viết về du lịch. Và nếu đúng như thế thì chắc chắn bạn đã chọn sai chủ đề blog, việc của bạn sẽ cần phải thay đổi chủ đề.
Khi thay đổi chủ đề thì khả năng lớn bạn sẽ cần bắt đầu một blog mới hoàn toàn. Trừ khi…
#4. Tên miền của bạn còn có thể tái sử dụng được không?
Vì bạn đang muốn thay đổi chủ đề blog nên có lẽ cần xem xét luôn tên miền cũ có còn phù hợp không?
Sẽ có 2 khả năng xảy ra:
- Nếu trước đây bạn viết một blog về du lịch và bạn lấy tên miền là www.DuLichCungNgoc.com, thì khả năng tên miền này sẽ không thể sử dụng cho blog mới viết về chủ đề thời trang.
- Nhưng nếu trước đây bạn sử dụng tên miền dạng tên riêng như www.NguyenVanA.com hay www.NguyenThiB.com thì có thể sử dụng lại những kiểu tên miền trung tính như thế này cho chủ đề blog mới hoàn toàn.
#5. Có cần thu hẹp hay mở rộng chủ đề blog hay không?
Ở đây bạn sẽ cần xác định mình trở thành “một con cá lớn trong cái ao lớn hay sẽ trở thành một con cá lớn trong cái ao nhỏ?”
- Nếu bạn muốn trở thành một con cá lớn trong cái ao nhỏ, thì tức là bạn cần thu hẹp chủ đề blog của bạn lại: Ví dụ trước đây bạn viết về du lịch một cách rất chung chung, chủ đề đó có thể quá lớn đối với bạn và nó không được tập trung.
Vậy bây giờ hãy nghĩ xem trong lĩnh vực du lịch bạn yêu thích nhất loại hình du lịch nào? Đó có thể là du lịch bụi (tự túc), hoặc cũng có thể là bạn sẽ chỉ viết về du lịch tại địa phương nơi bạn đang sống là Nha Trang chẳng hạn.
Như vậy rất có thể chủ đề sẽ cụ thể hơn, nội dung blog sẽ tập trung hơn và nhắm đúng đến một nhóm đối tượng đọc giả.
- Ngược lại nếu bạn muốn trở thành một con cá lớn trong cái ao lớn, thì tức là bạn cần mở rộng chủ đề blog: Ví dụ blog cũ của bạn chỉ viết về chủ đề chia sẻ kinh doanh online trên Facebook, bạn cảm thấy nó dần dần làm cho bạn bí ý tưởng và không thể tiếp tục.
Vậy tại sao không mở rộng chủ đề lớn hơn bằng cách bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Sendo, Lazada… thậm chí là Instagram, Youtube…
Tóm lại về chủ đề blog bạn có thể đi theo hai hướng một là mở rộng hoặc là thu hẹp lại, nhưng nên nhớ dù là thu hẹp hay mở rộng thì nó vẫn phải nằm trong cùng một lĩnh vực nhé. Một blog không thể vừa viết về lĩnh vực kinh doanh online và cả viết về kiến thức du lịch bụi được. Nhớ đấy!
#6. Đối tượng đọc giả của blog thì sao?
Khởi động lại một blog sau thời gian “bỏ hoang” và đặc biệt nếu bạn thay đổi chủ đề blog thì khả năng cao đối tượng đọc giả của bạn cũng sẽ thay đổi.
Một số người bạn của Ngọc viết blog hướng đến phụ nữ nhưng đặc biệt họ chỉ tập trung vào những phụ nữ trưởng thành mà thôi.
Như vậy cơ hội là nhóm đối tượng blog của bạn rất cụ thể, đó là những người phụ nữ đã có gia đình. Đối với cách này bạn sẽ dễ dàng thống lĩnh một thị trường nhanh chóng (tức là trở thành con cá lớn trong cái ao nhỏ), việc định hình thương hiệu cá nhân cũng thuận lợi hơn, quá trình xây dựng nội dung cũng rất rõ ràng, dễ cho bạn.
Bạn sẽ chỉ viết những điều có ích cho phụ nữ đã trưởng thành, bạn không cần quan tâm đến nhóm phụ nữ là trẻ em, tuổi vị thành niên… Từ đó cộng đồng của riêng bạn cũng hình thành nhanh hơn, mạnh hơn mà cộng đồng lại là một yếu tố vô cùng quan trọng trong sự nghiệp viết blog của bạn đấy!
Đối tượng blog và chủ đề của blog luôn là… đôi bạn cùng tiến vì vậy hãy nhớ nguyên tắc càng tập trung càng tốt.
#7. Phong cách, hình ảnh của bạn có nên thay đổi không?
Viết blog là một hành trình mà ở đó bạn cần xây dựng thương hiệu cá nhân rất nhiều, điều khác biệt giữa một blogger thành công & một blogger thất bại (hay mãi chưa thành công) đó là: Ai là người có phong cách, cá tính, thương hiệu tốt hơn?
Về phong cách chúng ta sẽ nghĩ nhiều hơn đến cách bạn trình bày nội dung, nếu trước đây bạn viết blog một cách hời hợt. Thì bây giờ khi khởi động lại blog hãy viết sâu sắc hơn, chân thành hơn, kể câu chuyện của bạn mạnh mẽ hơn để kết nối tốt hơn với đọc giả.
#8. Bạn sẽ thể hiện nội dung như thế nào?
Nếu blog trước đây của bạn viết về du lịch và chủ yếu là văn bản, hình ảnh vậy thì bây giờ hãy suy nghĩ xem video, âm thanh có thể giúp thể hiện tốt hơn hay không? Trực quan hơn hay không? Hãy thử thay đổi ở lần trở lại này nhé, chắc chắn bạn sẽ thấy hứng thú hơn đấy.
Thậm chí ngoài blog hãy thử với một kênh video trên Youtube nữa xem nào? Khả năng cao sự trở lại của bạn sẽ ấn tượng hơn với những người theo dõi bạn trước đây??!!
#9. Mục tiêu lớn nhất trong công việc viết blog của bạn là gì?
Khi ý thức được tầm quan trọng của công việc viết blog thì Ngọc đã xác định: Sẽ viết blog sẽ trở thành một cái nghề, có thể giúp cho Ngọc tự do về thời gian, không gian. Ngọc vẫn có thể kết nối với thế giới, vẫn có thể giúp đỡ những người khác mà vẫn có đủ thời gian dành cho gia đình.
Đó là ước mơ, là mục tiêu rất lớn đối với công việc viết blog mà chính Ngọc đã xác định. Khi xác định được một mục tiêu cụ thể như vậy Ngọc tin rằng bạn sẽ luôn cam kết làm việc, luôn xác tín và sẽ luôn luôn vượt qua những khó khăn trong hành trình xây dựng blog.
Do đó hãy thật cụ thể khi bạn trở lại với công việc viết blog nhé:
- Bạn đang viết blog để đạt được điều gì?
- Viết blog để xây dựng thương hiệu như một tác giả để phục vụ cho việc xuất bản các cuốn sách?
- Hay bạn viết blog để làm tiếp thị liên kết? Để kiếm tiền?
- Hay đơn giản bạn đang là sinh viên và bạn viết blog để từng bước biến nó thành một CV (sơ yếu lý lịch online) nhằm phụ vụ cho giai đoạn xin việc sau khi tốt nghiệp?
- …
Thật cụ thể mục tiêu của bạn, càng cụ thể càng tốt!
#10. Lịch và kế hoạch làm việc chi tiết của bạn là gì?
Ok như vậy bạn đã sẵn sàng khởi động lại một blog mới (có thể là mới hoàn toàn hoặc làm mới blog cũ). Bạn cũng đã có mục tiêu rất rõ ràng cho lần trở lại với công việc viết blog!
Bây giờ là lúc lên kế hoạch làm việc cụ thể:
- Kế hoạch của bạn là mỗi tuần đăng bao nhiêu bài?
- Trong những bài đó thứ mấy là bài viết? Thứ mấy là video?
- Ý tưởng cho các loại bài viết nội dung là gì?
- …
Dành cho bạn: 10 mẫu bài viết dành cho Blogger – Chỉ cần lưu lại & dùng cả đời!
Thời gian hàng ngày làm việc trên blog là thời điểm nào? Hãy thật thực tế, nếu bạn đang đi làm thì tối bạn có thể dành thời gian mấy tiếng cho blog? Thời gian dành cho gia đình thì sao?…
Viết blog chuyên nghiệp là một công việc thực sự cần cách làm việc chuyên nghiệp, cá nhân Ngọc luôn luôn xác định một thời gian biểu và quy tắc rất rõ ràng để nhằm cân bằng công việc với cuộc sống gia đình.
Cá nhân Ngọc đặt ra một số nguyên tắc sẽ chỉ viết blog vào sau giờ uống cafe với bà xã lúc 8h30, và nhất định sẽ gập máy tính trước lúc kim đồng hồ chỉ 22h.
Điều này thực sự vô cùng quan trọng nếu trong quá khứ bạn đã từng từ bỏ công việc viết blog vì nó ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống gia đình của bạn.
Lời kết
Như vậy ở bài viết này Ngọc hy vọng bạn đã có được một số câu hỏi cần xác định để lần khởi động lại blog sẽ thành công hơn.
Dù gì thì Ngọc cũng chúc mừng bạn vì sự trở lại, cuối cùng hãy nhớ rằng dù thế nào đi nữa thì viết blog vẫn là một công việc thật sự thú vị. Và nếu muốn thành công điều đơn giản bạn cần nhớ là hãy kiên trì, hãy tập trung vào giá trị bằng cách tích luỹ nội dung bạn tạo ra hàng ngày. Và đặc biệt hãy làm gì đó để kết nối với đọc giả của bạn càng nhiều càng tốt.
Ngọc rất muốn nghe những kinh nghiệm của bạn ở lần trở lại với công việc viết blog là gì?
Bài viết rất hay. Bản thân mình mình cũng rất thích viết lách nhưng có lẽ chưa đủ tính kiên trì để có thể làm hoàn thành một cái Blog hoàn chỉnh.
Chúc bạn sẽ có nhiều động lực đam mê hơn và kiên trì hơn với công việc viết blog nhé.
Trong bài viết của anh có cả cái tâm và cái tầm của một Pro Blogger.
Cám ơn bạn đã góp ý, thực tế bài viết này và một số bài viết khác (ví dụ: https://ngocdenroi.com/goc-nhin/cach-can-bang-giua-cong-viec-va-cuoc-song-gia-dinh.html) Ngọc cũng có ý tưởng từ Pro Blogger. Đó là những vấn đề mà hầu hết những người viết blog gặp phải tuy nhiên ở nước ngoài đôi khi có nhưng điểm khách với Việt Nam cho nên khi triển khai nội dung dựa trên ý tưởng mình cũng đã cố gắng để chia sẻ dựa trên những kinh nghiệm thực tế của bản thân, cộng với thực tế của hầu hết các bạn đang viết blog ở thị trường VN.
Em chào anh. Em rất gà mờ về blog nhưng lại muốn tìm hiểu ạ. Em có chút thắc mắc là làm thế nào để 1 blog chuyên về viết tiểu thuyết lại có nhiều tác phẩm – nhiều thể loại để đăng lên Blog của mình ngoại trừ những tác phẩm họ tự sáng tác ạ? Tức là họ tải về những tiểu thuyết khác hay là họ dịch lại những tiểu thuyết nước ngoài rồi đăng? Rất mong anh giúp em
Em có thể chia thành các chuyên mục nhé, ví dụ chuyên mục sáng tác của tôi, dịch… sau đó khi đăng bài cho vào từng chuyên mục phù hợp.
Em không thích so sánh anh Ngọc với ai cả. Nhưng thật sự các bài viết của anh rất chất lượng. Cảm ơn anh rất nhiều. Em là một fan trung thành của anh nhé! :v
Cám ơn em, rất vui khi nhận được bình luận này 🙂