“Lưu ý: Freelancer là người làm việc tự do và họ không có chế độ lương cố định. Vì thế freelancer cần phải giàu trước khi già, để về già bạn có thể sống một cách bình an, thịnh vượng! Hiểu biết về tiền bạc – tài chính là cách giúp freelancer trở nên giàu có!
Bạn đã từng nghe đến tài sản ròng? Tiêu sản, tài sản tăng trưởng, lãi suất kép…? Đây là những thuật ngữ nhiều khi chúng ta nghe hàng ngày trên tivi, báo, mạng. Nhưng đôi khi chúng ta cũng không hiểu thực sự nó là gì.
Ở bài viết này Ngọc sẽ cố gắng diễn giải nó chi tiết nhưng đơn giản để bạn có thể hiểu ngay. Và mình tin nó cực kỳ hữu ích cho tất cả chúng ta, đặc biệt những người làm nghề tự do.
Ngoài ra, mình cũng sẽ chia sẻ với bạn 7 bài học tâm đắc nhất. Đây là 7 bài học mình nhận được từ một cuốn sách về tài chính – tiền bạc mà mình thích nhất cho tới bây giờ.
20 thuật ngữ tài chính cần thuộc lòng.
1. Giá trị ròng (Net Worth)
Giá trị ròng của bạn là tổng giá trị của tất cả tài sản và nợ của bạn.
Bạn có thể có giá trị ròng trong 3 trường hợp sau đây:
- Âm
- 0
- Dương
Mục tiêu của tất cả chúng ta là xây dựng giá trị ròng dương bằng cách:
- Tiết kiệm
- Đầu tư
- Thanh toán/ trả nợ
Giá trị ròng = Tài sản – Nợ
2. Tài sản (Asset)
Là bất cứ thứ gì có giá trị dương đối với giá trị ròng của bạn.
Tài sản có thể có nhiều loại khác nhau:
- Vàng
- Tiền mặt
- Bằng sáng chế
- Bất động sản
- Cổ phiếu
- Bitcoin
- Một blog/website
Có 2 loại tài sản:
- Tài sản khấu hao (nhiều người gọi là tiêu sản)
- Tài sản tăng giá tăng giá
Mục tiêu của chúng ta là xây dựng & sở hữu tài sản tăng giá.
3. Tài sản tăng trưởng (Appreciating Asset)
Tài sản tăng trưởng tức là tài sản đó sẽ tăng giá trị theo thời gian.
Các ví dụ:
- Bất động sản
- Đồ sưu tầm (tranh, đồng hồ…)
- Kim loại quý (vàng)
- Chứng khoán, Bitcoin
Đầu tư vào tài sản tăng trưởng để có được sự tăng trưởng lâu dài. Hoặc ít nhất là bảo toàn được giá trị sức mua trong tương lai của đồng tiền bạn tạo ra hôm nay.
4. Tài sản khấu hao (Depreciating Asset)
Tài sản khấu hao tức là những tài sản sẽ có khả năng giảm giá trị theo thời gian. Nhiều người cũng hay gọi là tiêu sản.
Các ví dụ bao gồm:
- Ô tô
- Điện thoại
- Quần áo – túi xách
Hầu hết sự khấu hao (giảm giá trị) thường xảy ra ngay trong năm đầu tiên mua tài sản. Căn nhà bạn ở (không có ý định bán) thì về lâu dài cũng là một tài sản khấu hao, vì bạn cần tu sửa, bảo trì.
5. Nợ (Liability)
Nợ là các khoản nợ bạn mắc phải và được tính vào giá trị ròng của bạn.
Nợ bao gồm:
- Nợ mua ô tô
- Thế chấp mua nhà
- Nợ thẻ tín dụng
- Nợ giang hồ 🙂 (tín dụng đen)
Không phải tất cả các khoản nợ đều xấu. Có những khoản nợ sẽ là đòn bẩy tài chính.
Nhưng hãy ưu tiên trả các khoản nợ có lãi suất cao (ví dụ như nợ thẻ tín dụng).
6. Thu nhập (Income)
Số tiền bạn kiếm được.
Thu nhập có thể đến từ:
- Lương từ công việc của bạn
- Nghề phụ
- Bất động sản cho thuê
- Chi phí quảng cáo trên blog/website/youtube
- Danh mục đầu tư chứng khoán/ crypto
Theo thống kê hầu hết các triệu phú trung bình có 7 nguồn thu nhập.
Hãy bắt đầu xây dựng các nguồn thu nhập của bạn ngay hôm nay.
7. Thu nhập thụ động (Passive Income)
Số tiền bạn kiếm được mà không cần bỏ thời gian, công sức để làm việc. “Có thể kiếm được trong lúc ngủ”
- Cho thuê bất động sản
- Tiền lãi từ tiết kiệm ngân hàng
- Cổ tức từ việc đầu tư chứng khoán
- Chi phí quảng cáo trên blog/website/youtube
- Thu nhập từ tiếp thị liên kết (Affiliate marketing)
- Phần thưởng từ hoạt động stake tiền điện tử (Staking Crypto)
Càng có nhiều nguồn thu nhập thụ động thì bạn sẽ càng có nhiều thời gian để làm những công việc khác. Mục tiêu tăng số tiền thu nhập thụ động (Passive Income) lên trong tổng số tiền thu nhập (income) của bạn.
8. Lãi suất kép (Compound Interest)
Lãi suất kép có thể giúp bạn trở nên giàu có, nhưng cũng có thể khiến bạn trở nên nghèo khó.
Lãi suất kép giúp bạn giàu có nếu:
- Đầu tư
Bạn bắt đầu nhận được lãi khi bạn gửi tiết kiệm, sau đó bạn dồn lãi vào gốc và tiếp tục nhận được lãi nhiều hơn. Cứ như vậy… nhiều người hay nói “lãi mẹ đẻ lãi con”
Ví dụ bạn đầu tư cổ phiếu, bạn nhận được cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu đó tiếp tục tăng giá theo thời gian.
Lãi suất kép giúp bạn nghèo khó nếu:
- Các khoản nợ
Lãi suất từ các khoản nợ chưa trả cũng là một kiểu lãi suất kép mà bạn sẽ phải gánh. Rất nhiều người đã “rơi vào đường cùng” không kiểm soát được các khoản lãi suất kép từ nợ
9. Dòng tiền (Cash Flow)
Dòng tiền là nơi giúp bạn hiểu được: Tiền bạn kiềm được (vào) như thế nào & tiền bạn chi tiêu (ra) ra sao?
Để hiểu rõ dòng tiền của bạn, cần theo dõi từng đồng (theo tháng) như sau:
- Bạn đã kiếm được tiền như thế nào? Bao nhiêu cách? Mỗi cách bao nhiêu tiền?
- Bạn đã chi tiêu số tiền đó cho những việc gì?
Tiếp tục phân loại chi tiêu của bạn theo:
- Tiêu cho việc CẦN (không có không được)
- Tiêu cho việc MUỐN (không có cũng chẳng sao)
Để có dòng tiền luôn dương thì có một phương pháp rất đơn giản:
- Tăng dòng tiền VÀO
- Chi tiêu cho việc CẦN.
- Hạn chế chi tiêu cho việc MUỐN
- Gia tăng TIẾT KIỆM
- Tăng cường ĐẦU TƯ
- Nhận LÃI SUẤT KÉP
10. Chi phí cố định (Fixed Expenses)
Chi phí cố định thường là những khoản chi tiêu cho NHU CẦU CẦN của bạn. Những khoản chi phí kiểu “không chi không được” như:
- Tiền ăn
- Thuê nhà
- Tiền xăng xe
- Hoá đơn internet
- Chi phí điện nước
Tìm cách giảm chi phí cố định đến mức tối thiểu, thanh toán các khoản nợ, tăng tỷ lệ tiết kiệm – đầu tư lên mức tối đa là bí mật để có một “đời sống tài chính bình an”
11. Chi phí biến động (Variable Expense)
Ngược lại với chi phí cố định, cho nên chi phí biến động là những khoản chi khó kiểm soát & thay đổi theo ngày, tháng.
Chi phí biến đổi thường là những khoản cho nằm trong NHU CẦU MONG MUỐN của bạn, ví dụ:
- Chi phí du lịch
- Cho phí ăn ngoài
- Chi phí đổi điện thoại Iphone
Nhớ câu này: “Nếu bạn chưa cần thì nên tiết kiệm & đầu tư”
12. Quỹ khẩn cấp (Emergency Fund)
Được hiểu đơn giản là số tiền đã dành riêng cho những sự kiện bất ngờ trong cuộc sống chẳng hạn như bệnh tật, mất việc, sửa chữa nhà…
Quy khẩn cấp được tính theo công thức: Chi phí cố định (của bạn hoặc gia đình) x 6 tháng
Cuộc sống, công việc hiện nay quá biến động, do đó bất kỳ ai cũng nên có quỹ dự phòng ít nhất 6 tháng. Cá nhân Ngọc thì sẽ chuẩn bị cho 12 tháng.
Quỹ dự phòng cũng là quỹ “bất khả xâm phạm” tức là không được dùng đến trừ những trường hợp bất khả kháng.
- Ngọc đã từng chia sẻ một bài hướng dẫn cách phân bổ “4 tài khoản chảy tràn” khi quản lý tài chính cá nhân
13. Lợi tức đầu tư (ROI -Return on Investment)
ROI có thể hiểu là tỷ lệ lợi nhuận ròng trên chi phí đầu tư. Nó đo lường mức độ sinh lời của một khoản đầu tư.
Công thức tính ROI = Lợi nhuận ròng/tổng chi phí đầu tư
Tuy nhiên yếu tố thời gian cũng cần xem xét khi tính ROI. Ví dụ:
Khoản đầu tư có ROI 50% trong 10 năm có thể không tốt bằng khoản đầu tư có ROI 20% trong 1 năm.
14. Phân bổ tài sản (Asset Allocation)
Phân bổ tài sản là khi bạn đa dạng hóa tiền của mình bằng cách đầu tư vào các loại tài sản khác nhau.
Ví dụ bạn có đang phân bổ đầu tư vào:
- Vàng
- Bitcoin
- Nhà đất
- Cổ phiếu
- Tiền mặt gửi tiết kiệm hoặc quỹ khẩn cấp
- Mặt hàng có giá trị (đồng hồ rolex, một bức tranh)
Phân bổ tài sản tuỳ vào khẩu vị đầu tư của từng người, nhưng tỷ lệ phân bổ vào tài sản rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng cao và ngược lại.
15. Khả năng chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance)
Cũng có thể hiểu đây là “khẩu vị đầu tư” của mỗi người. Có nhiều người thích phân bổ tài sản phần lớn vào vàng (khá an toàn).
Ngược lại có những người chấp nhận rủi ro cao nên phân bổ phần lớn tài sản vào cổ phiếu & bitcoin.
Bạn là người quyết định độ rủi ro trong danh mục đầu tư của bạn.
Hãy tự hỏi bản thân mình:
- Tôi muốn lợi nhuận tăng đến bao nhiêu?
- Tôi sẵn sàng mất bao nhiêu giá trị trong thời kỳ suy thoái?
- Tôi có thể ngủ vào ban đêm với danh mục đầu tư giảm 20% – 50% không?
Hiểu khẩu vị đầu tư & xác định khả năng chấp nhận rủi ro để không bán khi người khác sợ hãi. Và kiểm soát được lòng tham khi thị trường điên cuồng và mọi người tham lam.
7 bài học từ cuốn sách Tâm lý học về tiền (“The Psychology of Money”).
Trong hàng tá cuốn sách về tài chính thì đây là cuốn sách mình thích nhất.
Bạn cũng có thể dành 5 phút để đọc 7 bài học từ sách ở dưới đây, tuy nhiên mình thật sự khuyên mỗi người nên dành thêm 5 giờ để đọc đầy đủ cuốn sách này ít nhất 1 lần.
1. Không ai điên cả.
Trải nghiệm cá nhân về tiền bạc mỗi người là khác nhau. Lượng thông tin, trải nghiệm của bạn về tiền bạc ở thời điểm hiện tại quyết định bạn suy nghĩ thế nào về sự vận hành của tiền trên thế giới này.
Ví như nếu bạn lớn lên trong nghèo khó, bạn sẽ nghĩ tiền là khan hiếm. Nếu bạn lớn lên giàu có, bạn sẽ nghĩ về tiền luôn có sẵn & ko khan hiếm. Điều này dẫn đến cách chi tiếu, kiểm soát tiền bạc của mỗi người là khác nhau. Vì thế đừng nhìn vào cách một người sử dụng tiền mà đánh giá họ bị điên.
Không ai điên cả!
2. May mắn & Rủi ro
Hai điều này luôn luôn tồn tại và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi kết quả trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Sẽ không bao giờ có chuyện 100% nỗ lực – hành động của bạn quyết định đến 100% kết quả bạn nhận được. Mọi kết quả cần có % cho sự may mắn hoặc rủi ro.
Hiểu được điều này bạn sẽ không quá tự mãn khi nhận được thành công (có mặt của sự may mắn), và cũng sẽ không cảm thấy tồi tệ khi thất bại (có tỷ lệ phần trăm của rủi ro)
3. Sẽ không bao giờ là đủ.
Bạn sẽ không bao giờ cảm nhận được hạnh phúc nếu bạn chưa biết đủ. Để thật sự hạnh phúc bạn cần thuộc lòng phép trừ sau đây:
Hạnh phúc = Kết quả – Sự kỳ vọng
Để biết đủ bạn chỉ cần ngừng so sánh, nếu cứ tiếp tục so sánh tiền bạc tài sản của bạn với người khác thì bạn sẽ mãi mãi là người thua cuộc.
4. Trở nên giàu có dễ hơn rất nhiều so với việc duy trì sự giàu có.
Có hàng nghìn cách để trở nên giàu có, nhưng chỉ có một cách duy nhất để duy trì sự giàu có đó là: sống tiết kiệm & và không được “sống theo cách leo thang”
Thế giới luôn tạo ra những dịch vụ/sản phẩm ngày càng cao cấp hơn để khiến bạn “leo thang lối sống”. Và cũng đừng quên thế giới đầy biến động để có thể lấy đi tất cả những gì bạn kiếm được một cách rất nhanh chóng.
5. Cổ tức giá trị nhất mà tiền trả cho bạn đó là: Sự tự do
Sự giàu có là khi bạn có thể thức dậy mỗi sáng và nói: “Tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn hôm nay”. Tôi có thể “làm công việc nào tôi muốn, khi nào tôi muốn, với những người tôi muốn.
Đây chính là sự tự do – độc lập – hạnh phúc mà tiền bạc có thể mang lại.
6. Tiết kiệm tiền
Có một sự thật ít người biết là:
Sự giàu có không phải đến từ thu nhập hay lãi đầu tư của bạn, mà phần lớn giàu có đến được từ tỷ lệ tiết kiệm của bạn.
Để có thể tăng tỷ lệ tiết kiệm bạn cần kiểm soát & giảm chi tiêu. Bạn có thể chi tiêu ít hơn nếu bạn muốn ít hơn. Bạn sẽ ít ham muốn hơn nếu bạn không quan tâm đến những gì mọi người nói về bạn.
7. Thời gian & sức khoẻ quan trọng hơn tiền bạc.
Câu này ai cũng nghe rất nhiều rồi nhưng để cảm nhận chính xác về nó thì không nhiều người.
Khi bạn có nhiều tiền bạn sẽ muốn 1000 thứ, nhưng khi bạn nằm trên giường bệnh bạn chỉ muốn 2 thứ duy nhất đó là: có thêm thời gian & có được sự mạnh khoẻ!
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
bài viết nhiều kiến thức bổ ích quá ạ! thanks a Ngọc đã chia sẻ!
Toẹt vời a ơi, đang nghiên cứu thì đọc được bài của a, like like.
E đang tìm hiểu để chơi chứng khoán, mà nghe bị lừa nhiều quá! A chỉ em với ạ!
bài viết nào của anh cũng chất lượng và giá trị cả, cảm ơn anh
bài viết rất tuyệt vời .cảm ơn bạn nhiều
Cảm ơn anh Ngọc.
Rất vui khi Lộc đọc bài viết và để lại comment