Với bạn việc viết bài mới trên blog & cập nhật nội dung cũ, cái nào quan trọng hơn?
Với Ngọc thì hiện nay việc cập nhật nội dung bài viết cũ trên blog là việc quan trọng nhất, cũng có thể do blog này đã có quá nhiều nội dung cần làm mới??!!
Cập nhật nội dung cũ là công việc không thể không làm bởi vì:
- Người dùng cần nội được cập nhập, cần thông tin mới.
- Google thích nội dung mới (Evergreen Content) và luôn luôn tìm kiếm những nội dung mang tính cập nhật để thay thế cho nội dung lỗi thời.
Do đó trong bài viết này Ngọc sẽ hướng dẫn bạn 3 bước cập nhật nội dung cũ trên blog.
Với chiến lược cập nhật nội dung cũ này Ngọc không chỉ giữ top 1 cho trên Google mà lưu lượng truy cập từ bài viết này cũng đã tăng hơn 113% sau 2 tháng.
Nhưng quan trọng hơn đó là chuyển đổi thông qua tiếp thị liên kết cho riêng bài viết này được cải thiện và duy trì ở mức ổn định.
Vì thế, kết thúc 3 bước cập nhật nội dung dưới đây kết quả cụ thể bạn sẽ nhận được là:
- Tăng thứ hạng cho bài viết trên kết quả tìm kiếm của Google
- Tăng tỷ lệ click từ đó dẫn đến tăng lưu lượng truy cập blog
- Quan trọng hơn hết đó là tăng chuyển đổi: Đăng ký email, bán hàng tiếp thị liên kết…
Bây giờ hãy đi vào từng bước nhé!
Bước 1: Cập nhật nội dung cũ: Quan trọng nhất là xác định đúng nội dung cần cập nhật!
Bạn không nhất thiết bạn phải cập nhật tất cả các bài đăng trên blog. Mà trên thực tế bạn cũng không đủ sức để làm việc đó.
Vì thế việc đầu tiên trước khi cập nhật nội dung cũ thì bạn sẽ cần phải biết chính xác: Nên cập nhật nội dung nào?
Cá nhân Ngọc thường ưu tiên 3 loại nội dung cần cập nhật như sau:
1. Nội dung mang về 80% traffic (nội dung hoạt động tốt)
Bạn có tin chỉ 20% nội dung trên blog của bạn sẽ mang về 80% traffic? Tức là 80% nội dung trên blog của bạn có rất ít người đọc.
Vì thế trước hết hãy tập trung vào 20% nội dung tốt nhất và làm cho nó tốt hơn. Việc này sẽ dễ hơn so với việc bạn tối ưu 80% nội dung không tốt!
Vậy làm sao biết được những trang nào trên blog của bạn đang mang về traffic nhiều nhất? Cách đơn giản chỉ cần truy cập Google Search Console.
Tại đây ở mục “Hiệu suất tìm kiếm” sau đó tích chọn thêm vào mục “CTR trung bình” và “Vị trí trung bình”
Sử dụng tiếp bộ lọc để tìm ra các trang có vị trí nhỏ hơn 3 trên Google.
Đây chính là những trang có truy vấn tốt nhất, mang lại nhiều traffic nhất trên blog của bạn. Ngoài ra một cách đơn giản và nhanh hơn đó là sử dụng Google Analytic, lọc tất cả các trang có traffic lớn nhất.
Việc tiếp theo là kiểm tra lại nội dung và tối ưu với những thông tin mới nhất, cập nhật nhất (cách làm sẽ ở bước 2 bên dưới)
2. Nội dung cần phải cải thiện (nội dung hoạt động kém)
Những nội dung kém là những trang bị giảm traffic, vấn đề chính có thể do nội dung đã lỗi thời, không được tối ưu tốt cho các từ khoá phù hợp ở thời điểm hiện tại.
Nhiệm vụ của bạn là cần tìm chính xác những trang này để cập nhật lại nội dung. Một lần nữa quay trở lại Google Search Console, sau đó chọn khung thời gian (ví dụ 3 tháng qua).
Tiếp tục sử dụng bộ lọc so sánh với kỳ trước đó 1 năm.
Bây giờ bạn sẽ thấy tất cả các trang có truy vấn bị giảm tỷ lệ click. Kéo xuống và chọn hiển thị nhiều hơn 10 kết quả, bạn sẽ thấy rất nhiều trang như thế này.
Đây chính là những trang bị giảm traffic, những trang này là những trang hoạt động kém và cần phải cập nhật lại nội dung.
3. Nội dung bắt buộc phải cập nhật (nội dung lỗi thời & rất quan trọng)
Có 2 loại nội dung bắt buộc phải cập nhật đó là: Nội dung lỗi thời & nội dung rất quan trọng!
Trước hết bạn hãy cùng Ngọc xem nội dung lỗi thời là gì nhé!
Nội dung lỗi thời là nội dung không còn giá trị với thời điểm hiện tại. Những bài viết hướng dẫn theo kiểu từng bước với hình ảnh chụp màn hình là loại nội dung rất dễ lỗi thời.
Nguyên nhân chính là giao diện hoặc các thao tác đã bị thay đổi. Ví dụ bạn hướng dẫn đọc giả đăng ký một mạng tiếp thị liên kết hay mở một tài khoản… và nhà cung cấp thay đổi giao diện website chẳng hạn.
Một lưu ý nhỏ: Những nội dung hướng dẫn từng bước là loại nội dung rất dễ tạo ra chuyển đổi, đặc biệt nếu bạn đang áp dụng tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) trên blog. Bởi vì nếu người đọc thấy nội dung lỗi thời, họ sẽ không thao tác theo và tất nhiên bạn sẽ không tạo ra chuyển đổi!
Đây chính là loại nội dung bạn bắt buộc phải cập nhật vì nó đã không thể áp dụng được nữa. Với những loại nội dung này sẽ không có công cụ nào giúp bạn tìm ra nó ngoài… chính bạn.
Bạn buộc phải theo dõi, kiểm tra và chủ động cập nhật khi nó trở nên lỗi thời. Thông thường bạn cũng sẽ nhận được những thông báo qua email khi có thay đổi như thế này.
Tiếp theo sẽ là loại nội dung rất quan trọng. Đây là loại nội dung nhận được nhiều liên kết ngược (backlink) trên blog.
Tức là có rất nhiều blog khác đang liên kết đến nội dung này của bạn, và bắt buộc bạn phải kiểm tra & cập nhật nội dung này.
Để xác định các trang có nhiều backlink nhất không khó, một lần nữa bạn lại phải nhờ đến Google Search Console. Đến mục “Liên kết” sau đó ở mục “liên kết bên ngoài” bạn sẽ có một danh sách tất cả các trang.
Bây giờ dành thời gian kiểm tra nội dung các trang này và bắt đầu công việc cập nhật nội dung theo bước 2 dưới đây.
Bạn cũng có thể xem video 5 bước cập nhật nội dung cũ để đưa bài viết quay lại top 1 Google dưới đây nhé:
Bước 2: Làm mới nội dung theo ý định tìm kiếm
Khi cập nhật nội dung cũ không chỉ là việc bạn thêm chữ, hình ảnh, video. Cập nhật nội dung cũ ở đây chính xác là bạn phải làm mới nội dung theo ý định tìm kiếm của người dùng.
Xác định ý định tìm kiếm cụ thể của người dùng không khó, phần lớn sẽ xoay quanh các ý định như:
- Tìm kiếm một hướng dẫn (how to)
- Tìm kiếm thông tin chi tiết (info)
- Tìm kiếm mua hàng – thương mại (buy)
- Tìm kiếm thương hiệu (brand)
Từ 4 ý định này bạn sẽ xác định được kiểu bài viết phù hợp. Ngọc ví dụ khi người dùng tìm “kiếm tiền tại nhà” tức mục đích tìm kiếm của họ là “những cách có thể kiếm tiền tại nhà”
Vì thế nếu bạn xây dựng một bài viết kiểu hướng dẫn cách kiếm tiền tại nhà chi tiết thì sẽ không đúng với ý định tìm kiếm của họ.
Nhưng nếu đơn giản chỉ cần thay đổi, cập nhật nội dung cũ thành một bài viết danh sách liệt kê tất cả những cách kiếm tiền tại nhà thì lại đúng với mục đích tìm kiếm.
Và Google sẽ đưa bài viết lên vị trí đầu tiên, đơn giản vì bài viết nhắm đúng ý định tìm kiếm của người dùng.
Tương tự như vậy nếu bạn xác định một ý định tìm kiếm theo kiểu hướng dẫn từng bước chi tiết, và bạn cập nhật nội dung theo từng bước kiểu hướng dẫn step-by-step thì không lý do gì bài viết của bạn không ở vị trí số 1.
Vì thế trước khi bắt tay vào sửa bất cứ nội dung cũ nào trên blog bạn cần dành thời gian xác định lại: Ý định tìm kiếm của người dùng là gì?
Tiếp theo sẽ là những thao tác cập nhật nội dung cụ thể như sau:
1. Thêm nội dung với các từ khoá mới liên quan (từ khoá cơ hội)
Sau một thời gian nội dung cũ sẽ không còn đủ sức hấp dẫn với người đọc và ngay cả với Google. Ngoài ra các từ khoá mới liên quan đến từ khoá chính sẽ xuất hiện.
Vì thế chúng ta sẽ cần xác định “từ khoá cơ hội” để bổ sung vào nội dung cũ. Một lẫn nữa Ngọc lại nhờ đến Google Search Console.
Ví dụ với từ khoá “Kiếm tiền tại nhà”, Ngọc chỉ cần nhập vào mục truy vấn. Ngay sau đó Google Search Console sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều “từ khoá cơ hội khác”.
Bây giờ Ngọc chỉ cần quay về bài viết và tối ưu lại nội dung bằng cách thêm các từ khoá hoặc những nội dung liên quan đến những từ khoá cơ hội này.
Bạn sẽ có một bài viết tốt hơn, đầy đủ hơn và tất nhiên khả năng lên top, tạo ra nhiều lượt truy cập hơn là hoàn hoàn có thể.
2. Thêm hình ảnh mới & video
Ngọc muốn nói đến video trước vì nó rất quan trọng trong thời điểm hiện tại.
Hãy nhìn vào hình ảnh dưới đây:
Google ngày càng hiển thị video nhiều hơn trên kết quả tìm kiếm. Do đó nếu bạn đã làm cho nội dung cũ tốt hơn, thì có một cách tốt hơn nữa đó là thêm video vào bài viết.
Bạn sẽ có được 2 kết quả, thậm chí 3 kết quả trên trang tìm kiếm như Ngọc đã làm ở trên.
Về hình ảnh, đặc biệt với những bài viết hướng dẫn bạn nên chụp lại hình ảnh màn hình mới cập nhật nhất và thêm vào nội dung.
Người đọc có thói quen vừa theo dõi bài viết vừa làm theo. Và nếu bài viết không còn đúng với các thao tác họ đang thực hiện liệu họ có tiếp tục và ở lại trên blog của bạn hay không? Ngọc nghĩ rằng bạn đã có câu trả lời.
3. Thêm liên kết nội bộ & các liên kết ngoài (nếu có)
Có 2 loại liên kết bạn sẽ phải cập nhật vào bài viết cũ đó là:
- Liên kết nội bộ (internal link)
- Liên kết ngoài (external link)
Đối với liên kết nội bộ bạn cần liên kết đến các bài đăng mới nhất để người dùng có cơ hội di chuyển từ bài này sang bài khác. Việc này cũng giúp cho thời gian ở lại trên trang lâu hơn.
Đối với liên kết ngoài cũng vậy hãy thêm vào nếu có các nguồn tham khảo uy tín. Đặc biệt chú ý đến các nghiên cứu hoặc số liệu cụ thể từ các nguồn khác.
4. Kiểm tra link liên kết & thêm lời kêu gọi hành động rõ ràng
Một trong những cách kiếm tiền phổ biến nhất trên blog đó là tiếp thị liên kết. Vì vậy nếu bạn không kiểm tra link và thêm lời kêu gọi hành động rõ ràng khi cập nhật nội dung thì bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội kiếm tiền.
Do đó hãy chắc chắn rằng link tiếp thị liên kết còn hoạt động và thêm nút thật nổi bật kèm với lời kêu gọi hành động rõ ràng như:
- Mua hàng ngay tại đây
- Xem sản phẩm bán chạy nhất tại…
- Click vào đây để đến trang khuyến mãi 35%
- …
5. Thêm lược đồ câu hỏi thường gặp (FAQ Schema)
Không gian trên trang 1 của Google có giới hạn và mọi người đang tranh giành nhau từng milimet 🙂 nhằm gây sự chú ý của người dùng. Mục đích cuối cùng là để tăng tỷ lệ click!
Có một cách để gây sự chú ý & chiếm nhiều không gian hơn trên Google đó là: Thêm lược đồ câu hỏi thường gặp (FAQ Schema)
Như thế này:
Để thêm lược đồ câu hỏi thường gặp vào bài viết trên blog không khó, bạn chỉ cần cài đặt công cụ RankMath SEO. Sau đó bạn chỉ cần thêm block “FAQ by RankMath” như bên dưới vào bất kỳ chỗ nào trong bài viết.
Tiếp theo hãy thêm câu hỏi thường gặp và câu trả lời vào, kinh nghiệm của Ngọc là nên thêm tối thiểu 4 câu hỏi.
6. Cập nhật thẻ tiêu đề, thẻ meta
Khi cập nhật nội dung cũ một việc rất quan trọng bạn cần làm đó là cập nhật thẻ tiêu đề và thẻ meta, đôi khi cả đường dẫn (URL) của bài viết nữa.
Đặc biệt những bài viết có yếu tố thời điểm theo năm, hoặc có sử dụng dấu ngoặc để gây sự chú ý như này:
Cách thay đổi thẻ tiêu đề và thẻ meta không khó và chỉ mất chưa đầy 1 phút. Nếu bạn dùng plugin Yoast SEO hoặc RankMath thì việc này càng đơn giản hơn.
Chỉ cần viết lại tiêu đề và thẻ meta như dưới đây (Ngọc sử dụng RankMath)
Trong trường hợp bạn tối ưu bài viết cũ với một từ khoá mới và bắt buộc phải cập nhật lại đường dẫn của bài viết thì đừng quên chuyển hướng bài viết sang link mới nhé.
Nếu dùng RankMath bạn sẽ làm việc này rất đơn giản, sau khi cập nhật và xuất bản nội dung cũ chỉ cần vào mục “Redirections” , đưa URL cũ và chuyển hướng sang URL mới như bên dưới đây.
Tiếp theo bạn cần thực hiện bước cuối cùng dưới đây nữa…
Bước 3: Tái xuất bản nội dung & quảng bá lại như một nội dung mới!
Tái xuất bản bài viết cũ bằng một thao tác đăng lại, rất đơn giản chỉ cần click chọn “Publish” sau đó thay đổi thời điểm đăng bài.
Khi thực hiện thao tác “tái xuất bản” bài viết cũ vừa cập nhật tức là bài viết của bạn sẽ được đẩy lên đầu tiên trong nguồn cấp dữ liệu blog.
Việc này cũng đồng thời gửi tín hiệu đến công cụ tìm kiếm như Google để thu thập, index lại dữ liệu bài viết.
Nhưng thay vì chờ đợi bạn có thể yêu cầu Google index bài viết nhanh hơn bằng cách vào Google Search Console. Sau đó dán đường dẫn của bài viết vào nhấn “enter”
Bởi vì đây là bài viết cũ và đã được Google lập chỉ mục rồi vì thế kết quả bạn nhận được sẽ là “URL đã nằm trên Google”. Tiếp theo nhấn vào dòng chữ “Yêu cầu lập chỉ mục”
Như vậy là xong, việc cập nhật nội dung cũ và tái xuất bản bài viết trên blog đã hoàn tất. Nhưng còn một thao tác cuối cùng đó là…
Quảng bá bài viết đến cộng đồng của bạn, nhấn mạnh những thông tin chính mà bạn vừa cập nhật mới trong bài viết. Ví dụ Ngọc thường chia sẻ lên Facebook sau khi đăng lại bài viết cũ như này:
Tiếp theo là gửi email đến tất cả những người đã theo dõi bản tin bằng một email đơn giản, rõ ràng như thế này nữa:
Tóm lại hãy quảng bá lại bài viết mới được cập nhật bằng bất cứ hình thức nào, kênh nào mà bạn có. Mục tiêu để kéo người đọc vào nội dung bạn mới cập nhật.
Lời kết
Xây dựng nội dung cho blog đôi khi không chỉ là xuất bản bài viết mới mà bạn cần phải cập nhật nội dung một cách thường xuyên.
Bạn sẽ duy trì lưu lượng traffic cho blog rất ổn định, thậm chí tăng traffic nhiều lần nếu bạn thường xuyên cập nhật nội dung cũ.
Và nếu bạn đang kiếm tiền với tiếp thị liên kết trên blog thì việc cập nhật nội dung cũ còn quan trọng hơn nhiều.
Bao lâu bạn cập nhật nội dung cũ một lần? Cách làm của bạn như thế nào? Ngọc rất muốn nhận được chia sẻ từ bạn ở ngay bên dưới phần bình luận!
Cho e hỏi là nếu những bài viết với tiêu đề là các năm thì qua năm tiếp theo mình lên cập nhật vào thời điểm nào ạ? Và nếu bài viết vẫn đang giữ top mà mình cập nhật URL mới thì có ảnh hưởng ko ạ (vì e thấy nếu thay đổi URL mới khi index lại trên google console sẽ báo bài viết chưa xuất hiện trên công cụ tìm kiếm). Mong anh giải đáp ạ.
Cuối năm nên dành thời gian cập nhật em nhé, và cũng hạn chế không nên thay đổi URL
Cảm ơn anh Ngọc vì bài viết hay quá!
Ok em, rất vui khi em thích bài viết. Áp dụng em nhé anh thấy rất hiệu quả!
Bài viết rất hữu ích. Cảm ơn a Ngọc nhiều ạ!
Hi anh cho em hỏi khi mình viết bài bằng Elementor thì sao sao để chèn Mục Lục vào bài viết được ạ, em dùng Table of cotent Plus.
Cảm ơn anh
Anh tạo một cái teamplate sẵn cho post và áp dụng cho tất cả các post, sau này khi đăng post nó tự động hiển thị em à.
đọc nhiều bài viết mà thấy bài này là chi tiết và dễ hiểu nhất
Cám ơn bạn, rất vui khi nhận bình luận này của bạn
Bn cho mình hỏi nếu thay đổi thời điểm đăng bài thì có ảnh hưởng đến Seo hay ko, vậy GG có đánh giá bài viết của m là viết sau so với các web khác ko bạn.
Cảm ơn bạn
Mình nghĩ là có anh hưởng đến SEO đó bạn nhưng ảnh hưởng theo chiều hướng tích cữc hơn, tốt hơn nhé! Bài viết sẽ được GG đánh giá là cập nhật, nội dung mới.
Em cũng liên tục cập nhật những bài cũ, update nội dung trend vào bài cũ là cách tiếp cận tối ưu chi phí anh ạ.
ok em update nội dung anh nghĩ là việc nên làm thường xuyên, nếu còn đưa được trend mới vào nội dung cũ thì càng tuyệt vời hơn. Chúc mừng em.
Đây là một bài viết tuyệt vời, rất hữu ích cho việc điều hành blog của tôi, cảm ơn bạn đã chia sẻ
Rất vui khi bài viết mang đến giá trị cho công việc của bạn!
Thấy bài này của bác rất giá trị, nhiều từ khóa phụ không tôi ưu lại được nội dung, link nội bộ rất phí
Ok bạn rất vui vì bạn thích bài viết
Cảm ơn ad.Bài viết của ad rất hay. Với những kiến thức mà ad đã chia sẻ đã giúp mình rất nhiều trong việc cải thiện nội dung và giúp tăng traffic một cách đáng kể.
Rất vui khi nhận được chia sẻ này của bạn. Chúc công việc ngày càng tiến triển hơn nhé
Đầu năm đọc bài của bạn quá tuyệt vời. Chi tiết và cặn kẽ luôn! Viết có tâm quá bạn ơi! Chúc bạn năm mới nhiều thành công nhé!
Rất vui khi đọc bình luận của bạn, Ngọc cũng chúc bạn năm mới nhiều sức khoẻ và phát triển hơn trong công việc.
Bài viết hấp dẫn quá anh Ngọc ạ. Em cũng đang tranh thủ mấy ngày đầu năm làm mới lại nội dung cho Blog. Nhân tiện em chúc anh năm mới nhiều sức khỏe và phát triển Blog mạnh hơn nữa nhé!
Ok Nam, Anh cũng chúc cho em nhiều sức khoẻ, có thêm nhiều thành quả hơn nữa trong công việc ở năm 2021 này nhé!
Vâng ạ, em cảm ơn anh ?
Em cảm ơn anh đã chia sẻ kinh nghiệm ạ. Chúc anh nhiều sức khỏa và tiếp tục thành công với những trang blog của mình.
Ok em, rất vui khi bài viết mang đến chút kiến thức cho tất cả mọi người. Chúc em cũng luôn thành công nhé!
E có thể tạo một blog của riêng mình trên blog.com không anh? Nếu có nhiều bài viết ở trên đó, thì về lâu dài có thể kiếm tiền trên đó ko a?
Bạn có thể tạo blog miễn phí ở bất cứ nền tảng nào cho phép tạo bạn nhé, còn bao nhiều bài viết và có kiếm được tiền không thì lại là một câu chuyện dài và khá nhiều việc cần làm!
cám ơn anh,hãy quên tiền đi,cứ viết trước anh nhỉ
Thanks bác Ngọc đã chia sẻ bài viết hay và hữu ích này. Chúc bác và gia đình Giáng Sinh và Năm Mới 2021 vui vẻ, may mắn, an lành và hạnh phúc nhé!.
Rất vui khi bạn thích bài viết này, áp dụng vào công việc để chuẩn bị cho năm mới bạn nhé. Chúc bạn và gia đình một năm mới nhiều niềm vui và thành công!